Theo đánh giá của IMF, châu Phi sẽ cần 30-50 tỷ USD/năm trong thập kỷ tới để thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có mở rộng đầu tư vào các dự án “xanh”.
Con số này tương đương từ 2-3% giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của lục địa này.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị thường niên của IMF, đại diện bộ phận phụ trách các vấn đề tài khóa của định chế tài chính quốc tế này, bà Genet Zinabou đã khẳng định sự cần thiết huy động các nguồn lực quốc tế cho châu Phi nhằm đảm bảo dòng chảy đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường.
Theo bà Zinabou, khí thải gây hiệu ứng nhà kính tính trên đầu người tại châu Phi hiện vẫn ở mức tương đối thấp, song lục địa này cực kỳ dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Nhiều quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cùng nhiều hiện tượng thời tiết bất thường khác.
Bà Zinabou ước tính nếu hạn hán tiếp tục kéo dài tại châu Phi, thì tăng trưởng kinh tế trong trung hạn của lục địa này có thể giảm 1%.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình phải trải qua tình trạng lũ lụt hoặc hạn hán sẽ phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ mất an ninh lương thực. Do đó, người dân châu Phi rất cần được phòng vệ trước những rủi ro này.
Trong khi đó, quan chức bộ phận châu Phi của IMF, Seung Mo Choi lưu ý rằng các nhà hoạch định chính sách ở các nước châu Phi cần phải tập trung vào 3 lĩnh vực thiết yếu để tránh những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế, bao gồm tăng cường cơ sở hạ tầng quan trọng, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và y tế, đồng thời nâng cao cơ chế ứng phó thông qua các mạng lưới bảo trợ xã hội và cải thiện mức sống cho người dân.
Theo IMF, biến đổi khí hậu ở khu vực phía Nam châu Phi đang diễn ra một cách rõ nét, khi nhiệt độ có xu hướng tăng cao, lượng mưa bất thường và thiên tai gia tăng.
Trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến hàng chục triệu người tại khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến họ bị mất nhà cửa và đe dọa an ninh lương thực, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 500 triệu USD.