Bộ GTVT họp khẩn về tình trạng sạt lở đường giao thông do mưa bão

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của bão, lũ lụt, QL1 qua địa phận các tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh gần như tê liệt, có nơi ngập đến 2,5m. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, Tây, QL49 và QL49B đều bị chia cắt. Trong đó, đoạn qua Hà Tĩnh có 1 điểm và đoạn qua Quảng Bình có 11 vị trí ngập lụt. Hiện tại, đơn vị chức năng đang tổ chức chặn gác, hướng dẫn người và phương tiện không đi vào (trừ phương tiện cứu nạn).

Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu thị sát, kiểm tra công tác ứng phó với mua lũ tại Hồ Kẻ Gỗ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp sáng ngày 20/10 do Bộ GTVT tổ chức cuộc họp triển khai công tác phòng chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện, Tổng cục đã bố trí đầy đủ vật tư (dầm, rọ thép và các thiết bị khác) tại các khu vực, sẵn sàng khắc phục hậu quả do bão, lũ, sạt lở đất trên các tuyến đường giao thông tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt tại các tỉnh dự báo có lượng mưa lớn trong những ngày tới như: Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa – Thiên Huế.

Với lĩnh vực đường sắt, ông Nguyễn Huy Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, mưa lũ từ ngày 10/10 khiến nhiều vị trí đường ray bị ngập nước. Hiện tuyến đường sắt đi qua các địa phương đã được thông tuyến, duy chỉ có địa bàn tỉnh Quảng Bình còn 3 điểm ngập lụt, gồm: đoạn Km474 – Km479 thuộc khu gian Lệ Sơn, Minh Lệ; Đoạn Km556 – Km557 khu gian Mỹ Đức, Phú Hòa và Cầu Km560+200 bị xói hai mố.

Cục Đường sắt Việt Nam đang chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương tổ chức đánh giá và khắc phục các sự cố để đảm bảo ATGT. Hiện tại, do mưa lũ nên nhiều tàu hàng, tàu khách đã phải tạm dừng. Tại ga Đồng Hới, Quảng Bình hiện có hai đoàn tàu khách dừng chờ thông tuyến.

Đối với lĩnh vực đường thủy, theo ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nước lũ tại các tỉnh miền Trung dâng cao, toàn bộ hoạt động của phương tiện được yêu cầu dừng lại. Quảng Nam và Quảng Trị đã mất 34 phao báo hiệu, 65 cột báo hiệu do sạt lở, ước tính số tiền thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.

Với hàng không, ông Đào Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngày 18/10, do ảnh hưởng lũ lụt, tại sân bay Đồng Hới đã hủy 8 chuyến bay đi/đến, một số chuyến tại sân bay Vinh cũng bị hủy. Còn lại, tại các sân bay khác như Thọ Xuân, Phú Bài, Chu Lai, chịu ảnh hưởng của bão cũng chỉ phải tạm đóng trong khoảng thời gian ngắn. Hiện, ngành hàng không vẫn tích cực theo dõi cảnh báo từ Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và họp trực tuyến với tất cả các hãng/cảng hàng không để chủ động đề ra phương án trước khi bão vào, nhờ đó, hoạt động bay vẫn được duy trì.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Bộ GTVT) cho biết, những ngày qua, trước bối cảnh miền Trung “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với các địa phương khắc phục thiệt hại của mưa lũ gây ra, huy động hơn 300 máy công trình, máy phát điện để đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

“Các đơn vị huy động tối đa nguồn lực để khắc phục hư hỏng, sự cố trên các tuyến đường ảnh hưởng bởi lũ lụt, không phân biệt quốc lộ hay đường địa phương. Những ngày sắp tới, mưa lũ dự báo còn diễn biến phức tạp, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, các đơn vị phải tiếp tục huy động tối đa nguồn lực dự phòng, vật tư cần thiết hỗ trợ các tỉnh miền Trung trong công tác cứu hộ, cứu nạn, không phân biệt đường Trung ương hay địa phương”, ông Nguyễn Văn Thạch nói.

Tình trạng mưa bão gây lũ lụt tại Hà Tĩnh. Ảnh: VGP/ Đoàn Bắc

Tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất

Bộ GTVT vừa có công điện khẩn gửi các đơn vị trực thuộc về việc tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, tại Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và khu vực miền Trung.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các cục quản lý đường bộ tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ ống, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời nhân lực và trang thiết bị; cử người trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ nước ngập sâu, nước chảy xiết; khi cần thiết, phải rào chắn, cấm đường, kết hợp phân luồng từ xa, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại.

Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu thực hiện công tác bảo trì đường bộ chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị, máy móc sẵn sàng để xử lý, khắc phục bảo đảm giao thông khi có sự cố lũ quét, sạt lở đất đá, trôi cầu, đứt đường xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.

Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chỉ đạo các nhà thầu huy động nhân lực, thiết bị khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông phục vụ công tác TKCN một cách sớm nhất và sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu”, công điện nêu.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường sắt VN chỉ đạo các đơn vị phối hợp với sở GTVT và các lực lượng tại địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ thông đường nhanh nhất; Có phương án dừng tàu, chuyển tải hành khách phù hợp.

Các Sở GTVT: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình được giao nhiệm vụ phối hợp với các cục quản lý đường bộ, các đơn vị quản lý và bảo trì đường bộ, đường sắt… khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra; Tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ ủy thác và đường địa phương.

Nguồn: