Trước tình hình mưa lũ phức tạp, nhiều địa phương đã tính đến phương án là xả lũ thuỷ điện, đặc biệt là hôm qua, khi nước hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) dâng cao, chính quyền phải lên phương án “trá tràn” để không vỡ đập. Đây là kịch bản rất xấu, ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hộ dân.
Hà Tĩnh cứu đập nhưng phải cứu dân
Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động tại Hà Tĩnh, đến trưa 19.10, hồ Kẻ Gỗ đang xả lũ với lưu lượng 1.000m3/s. Tuy nhiên, trời mưa to, lưu lượng nước về hồ chứa Kẻ Gỗ rất lớn. Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đang tính đến phương án xấu nhất để tránh nguy cơ vỡ đập chính.
Theo một cán bộ Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đang họp bàn để quyết định, tìm phương án cẩn trọng nhất để phá chủ động tràn sự cố của hồ bởi việc phá tràn sự cố không hề đơn giản.
Theo vị cán bộ này, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đang tính toán lên phương án sau đó xin ý kiến lãnh đạo tỉnh mới quyết định có thực hiện phương án phá tràn đập thuỷ diện hồ Kẻ Gỗ hay không.
Nếu mực nước lên đến cốt 30 thì đập tràn chính hồ Kẻ Gỗ sẽ vỡ.
Việc phá tràn sự cố là dùng thuốc nổ chủ động phá tràn, tránh nước dâng lên cốt 30 vượt tần suất thiết kế sẽ vỡ đập chính.
Ông Phạm Đăng Nhật – Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên cho biết, hồ Kẻ Gỗ đang có nguy cơ đe doạ, ngoài xả tràn ở cống chính lên 1.000m3/s, địa phương phối hợp với công ty đang cho mở tràn 2 cống phụ để xả với lưu lượng 200m3/s. Hai cống này mở vào năm 2010 nhưng năm đó chỉ xả nhở với lưu lượng 30m3/s.
Hồ Kẻ Gỗ xả lũ với lưu lượng lớn khiến người dân hạ lưu chật vật chống chọi với lũ. Theo ông Lê Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, do hồ Kẻ Gỗ xả lưu lượng lớn nên đến sáng nay đã có 144 thôn/18 xã với 4.580 hộ dân ở các xã Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Quang, Cẩm Thạch… vùng hạ du ngập sâu và bị cô lập. Nhiều hécta nuôi trồng thủy hải sản ở xã Phúc Thắng, Cẩm Lộc bị thiệt hại. Hệ thống công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng; nguồn điện phía Bắc của huyện bị cắt hoàn toàn.
Một nghiên cứu năm 2013 đã chỉ ra kịch bản nếu vỡ đập hồ Kẻ Gỗ sau 3 giờ thì độ sâu ngập vùng hạ du là lớn nhất, chủ yếu là trên 5m chiếm khoảng 50% vùng bị ngập; thời điểm sau 6 giờ kể từ khi vỡ đập thì diện tích ngập lớn nhất có tất cả 55 xã của 3 huyện bị ngập tổng diện tích là 345km2. Sau 48 giờ thì hiện tượng ngập chỉ còn lại một số xã vùng trong nằm ven sông Ngàn Mọ và một số vùng trũng chưa tiêu thoát kịp.
Hiện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đang làm mọi biện pháp để vấn đề này không xảy ra.
Phải đảm bảo an toàn, đúng quy trình
Cũng trong ngày hôm qua (19.10), trước thông tin dự báo sẽ có thêm cơn áp thấp nhiệt đới – bão sẽ đổ bộ vào Biển Đông trong vài ngày tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã lệnh cho các hồ thủy điện lớn trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn thực hiện xả lũ luân phiên để tạo dung tích đón lũ. Cụ thể các Cty Cổ phần Thủy điện A Vương, thủy điện Đắk Mi 4, thủy điện Sông Bung tổ chức vận hành luân phiên 12 giờ nhằm hạ dần mực nước các hồ chứa thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Bung 4 về mực nước cao nhất trước lũ trước 18 giờ ngày 23.10.2020. Việc vận hành tuân thủ nguyên tắc bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du.
Hiện cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác. Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỉ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước ngoài đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, còn góp phần quan trọng cắt giảm làm chậm lũ, giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra ở khu vực hạ du hồ chứa. Tuy nhiên, nếu xả lũ không đúng quy trình, các hồ chứa sẽ là nguy cơ gây “lũ chồng lũ” cho vùng hạ du.
Ông Phạm Trọng Thực – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp cho biết: “Việc xả điều tiết lũ các nhà máy thủy điện là điều bắt buộc phải làm, nếu không điều tiết nước, khi có lũ sẽ gây mất an toàn cho công trình và hạ du. Tùy theo thiết kế công trình và nhiệm vụ của hồ chứa mà việc vận hành điều tiết xả lũ phải tuân thủ mực nước giới hạn an toàn của công trình. Việc điều tiết xả lũ có thể tiến hành ngay khi lũ về, không thể để lũ lớn về mới xả, sẽ ảnh hưởng đến an toàn của công trình và hạ du” – ông Phạm Trọng Thực nói. Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước có 6.755 đập, hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích khoảng 63 tỉ m3. Nhìn chung, các hồ, đập lớn ở Việt Nam được xây dựng đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiện tại có khoảng 1.200 hồ chứa nhỏ có bờ ngăn, đập bị hư hại, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp, trong đó có khoảng 200 hồ chứa bị hư hại nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong khi mùa mưa bão đã tới. Từ năm 2010 đến cuối tháng 7 năm nay trên cả nước xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa thủy lợi. Riêng năm 2017 xảy ra 23 sự cố, năm 2018 có 12 sự cố, năm 2019 có 11 sự cố.
Trong năm 2020, vào ngày 28.5 đã xảy ra sự cố vỡ đập ở hồ Đầm Thìn, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ). Đập Đầm Thìn được xây dựng năm 2008 và được đưa vào sử dụng năm 2010. Như vậy, chỉ sau 10 năm được đưa vào sử dụng, con đập này đã bị vỡ. Tiếp đó, ngày 6.6 đập Bara Đô Lương (tỉnh Nghệ An) bị vỡ…
Tại Hội nghị công tác phòng, chống thiên tai các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra hồi tháng 7.2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh: Trong bối cảnh mưa lũ mạnh và thất thường như hiện nay, cần tính đến kịch bản để các hồ đập hoạt động cũng như xả lũ an toàn, vừa phục vụ an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước, vừa đảm bảo tính mạng, việc sản xuất của người dân ở hạ du.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tăng cường các biện pháp tổng thể từ điều hành quy trình xả nước, tích nước một cách liên hoàn trên cơ sở đảm bảo phục vụ an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước sử dụng chung, cũng như sản xuất ở hạ du.
Hà Tĩnh khẩn cấp di dời hàng chục nghìn hộ dân
Liên tiếp mấy ngày qua, mưa lớn dữ dội trút xuống trên địa bàn Hà Tĩnh, gây ngập nặng nhiều nơi trên địa bàn TP.Hà Tĩnh và nhiều địa phương, tỉnh phải khẩn cấp chỉ đạo di dời hàng chục nghìn hộ dân. Đến chiều 19.10, mưa to xối xả cùng với các hồ đập lớn như Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, Khe Xai, Tàu Voi, Thượng Sông Trí… đồng loạt xả tràn điều tiết lũ khiến nước lũ lên nhanh. Tới thời điểm hiện nay, nhiều xã ở Cẩm Xuyên, TP.Hà Tĩnh, Hương Khê, Thạch Hà, Đức Thọ… đã bị cô lập. Tại huyện Vũ Quang, mực nước sông Ngàn Sâu đo được tại trạm Hòa Duyệt ngày 19.10 là 9,04m (trên báo động 2 là 0,04m) khiến một số xã hạ huyện như: Đức Liên, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh bị ngập cục bộ, một số cụm dân cư bị cô lập hoàn toàn. Các hộ gia đình phải di chuyển đồ lên cao tránh bị ngập nước. Để đảm bảo an toàn cho người dân, sáng 19.10, các địa phương đã sơ tán được 7.183 hộ với 20.761 người. Đến 8h ngày 19.10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ra lệnh sơ tán 14.983 hộ dân gồm: Huyện Cẩm Xuyên: 13.300 hộ, 43.200 người; huyện Thạch Hà: 1.420 hộ, 2.685 người; thành phố Hà Tĩnh: 263 hộ, 701 người. Đến gần 10h sáng 19.10, hồ chứa nước Kẻ Gỗ đã tăng lưu lượng xả tràn lên 900m3/s. |