Theo một nghiên cứu của đại học Rutgers xuất bản trên tạp chí One Earth, đại dịch COVID-19 tạo cơ hội để tái thiết lập nền kinh tế toàn cầu và đảo ngược hàng thập kỷ mất mát hệ sinh thái và các loài, nhưng đáng tiếc là hầu hết các nước không chú ý đến những cải cách hoặc đầu tư kinh tế liên quan đến thiên nhiên.
Một số nước, kể cả Mỹ, Brazil và Úc đang nới lỏng các quy định hiện hành cũng như thực thi luật bảo vệ thiên nhiên – PGS sinh thái nhân văn Pamela McElwee (Trường Khoa học Môi trường và Sinh học, Đại học Rutgers-New Brunswick) và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
“Mới đây tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Liên hợp quốc, hơn 60 nguyên thủ quốc gia đã cam kết hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học. Nhưng khi chúng ta nhìn vào những gì các nước đang làm, cả ưu tiên ngân sách và chính sách, đặc biệt là trong các gói kế hoạch phục hồi hậu Covid, rất ít chính phủ rót tiền vào đa dạng sinh học. Chúng ta vẫn thấy những khoản hỗ trợ tài chính khổng lồ đổ vào các hoạt động có hại, chẳng hạn như trợ cấp cho việc đánh bắt quá mức hoặc sản xuất nhiên liệu hóa thạch hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ gây tổn hại đến toàn vẹn sinh thái. Chỉ một số ít các nước đang giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học một cách xứng đáng”, McElwee cho hay.
Nghiên cứu do các nhà kinh tế, nhân học và khoa học môi trường thuộc nhiều tổ chức ở ba lục địa thực hiện, tìm hiểu những thay đổi cần thiết trong hệ thống kinh tế toàn cầu – bao gồm các biện pháp khuyến khích, luật lệ, chính sách tài khóa và các chương trình việc làm nhằm tránh các hoạt động gây tổn hại đến đa dạng sinh học và chuyển sang các hoạt động hỗ trợ khả năng phục hồi của hệ sinh thái.
Theo Báo cáo đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và hệ sinh thái năm 2019 của IPBES, các nước phải hành động ngay mới tránh được tình trạng tốc độ tuyệt chủng loài ở quy mô toàn cầu tăng, khoảng 1 triệu loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng (nhiều loài có thể tuyệt chủng ngay trong thập kỷ này). Báo cáo ghi nhận tốc độ tuyệt chủng “cao hơn ít nhất hàng chục đến hàng trăm lần mức trung bình trong 10 triệu năm qua”.
Nghiên cứu mới của Đại học Rutgers chỉ ra những hành động mà các chính phủ nên thực hiện trong kế hoạch kích thích và phục hồi, trong đó cần ưu tiên cho thiên nhiên, cung cấp lợi ích việc làm tức thời, từ đó dẫn đến những chuyển đổi lâu dài hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Ví dụ như chuyển từ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch có hại sang trợ cấp có lợi, kể cả những trợ cấp khuyến khích canh tác thân thiện với môi trường; thuế carbon hỗ trợ các chương trình bảo vệ rừng; các chương trình làm việc tập trung vào phục hồi sinh thái và cơ sở hạ tầng xanh.
Trong khi nhiều nhà khoa học và chính trị gia ủng hộ chương trình phục hồi Covid-19 theo hướng carbon thấp thì không mấy ai chú ý đến cách đưa đa dạng sinh học và hệ sinh thái vào các kế hoạch kinh tế. Những cuộc thảo luận về hành động liên quan đến thiên nhiên chủ yếu tập trung vào đóng cửa các chợ động vật hoang dã bị coi là nguồn tiềm năng cho virus mới, mở rộng các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc giảm nạn phá rừng nhiệt đới. Mặc dù những điều này đều quan trọng nhưng không nhất thiết giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của sự gián đoạn sinh thái.
Một số nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc gần như không phân bổ kinh phí trong gói kích thích cho đa dạng sinh học hoặc hệ sinh thái. Chỉ có Liên minh châu Âu và các nước thành viên đang đầu tư nguồn tài chính đáng kể vào đa dạng sinh học cho kế hoạch hậu Covid. Những nước khác bao gồm New Zealand, Ấn Độ và Pakistan đang đề xuất các khoản đầu tư vào những công việc dựa vào thiên nhiên như phục hồi sinh thái, nhưng chỉ ở mức độ khiêm tốn.
PGS. McElwee chỉ rõ: “Các nước đang không thực hiện được lời đã hứa và cần phải làm nhiều hơn nữa – ngay lập tức. Chúng ta sẽ tiếp tục giám sát các gói phục hồi được đề xuất, các biện pháp kích thích và cam kết tài chính về cách các nước giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 5/2021″.
Thế Anh (Theo Phys)