Cấm chăn nuôi nhỏ lẻ trong đô thị không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, bệnh tật mà còn tạo động lực phát triển chăn nuôi quy mô lớn, bền vững hơn.
Giảm bệnh tật, ô nhiễm môi trường
HĐND TP đã thông qua Nghị quyết 02 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP.
Theo đó, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) gồm: Các phường của các quận thuộc TP; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Lợi); các thị trấn của 5 huyện là thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì); các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Toàn TP có hơn 200.000 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm (trâu, bò, lợn, dê, gia cầm). Các phường thuộc các quận, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 5 huyện ven đô (Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) đề xuất không được phép chăn nuôi trên địa bàn hiện có hơn 200.000 con gia súc, gia cầm, hơn 3.000 trang trại, nông hộ.
UBND TP Hà Nội đánh giá, việc chăn nuôi ở các thị trấn các huyện ven đô, các khu đô thị với số lượng ít, hiệu quả kinh tế không cao, môi trường chăn nuôi ngày càng có nguy cơ ô nhiễm, khả năng lây lan dịch bệnh cao, có nhiều mối nguy về mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện còn hơn 3.000 hộ chăn nuôi ở những khu vực theo nghị quyết 02 của TP Hà Nội sẽ không được chăn nuôi gia súc, gia cầm kể từ ngày 1/8/2020, chiếm khoảng 1,6% tổng hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, luật quy định khu dân cư không được phép chăn nuôi nhỏ lẻ. Hà Nội bây giờ đô thị hóa rất nhanh. Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán gây ô nhiễm môi trường rất lớn, nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao.
Ngoài ra còn vấn đề dịch bệnh nữa. Nếu cứ chăn nuôi nhỏ lẻ thì nguy cơ dịch bệnh rất lớn. Không những dịch tả lợn châu Phi, mà theo cơ quan thú y công bố, có trên 100 bệnh liên quan đến sức khỏe con người có thể lây nhiễm từ động vật chăn nuôi như bệnh dại, liên cầu khuẩn, lở mồm long móng, cúm A H5N1, H7N9…
“Người dân sẽ dần thích nghi được quy định cấm chăn nuôi trong đô thị. Cấm chăn nuôi nhỏ lẻ trong đô thị chắn chắn sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đương nhiên ô nhiễm môi trường giảm thì dịch bệnh sẽ giảm. Nếu không làm sạch môi trường thì nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh quá cao”, ông Sơn tin tưởng.
Hỗ trợ hướng đi mới phù hợp cho người dân
Hà Nội đã đưa ra các chính sách như hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ vay vốn, những nơi được quy hoạch làm khu chăn nuôi sẽ có chính sách hỗ trợ về giống, môi trường, về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Được biết, các khu chăn nuôi tập trung sẽ nằm ở các địa phương như: Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ…
“Đây cũng chính là một định hướng lớn của Hà Nội, thực hiện việc giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, đưa vào chăn nuôi tập trung, đảm bảo lượng cung cho 10 triệu dân của Hà Nội. Cùng với đó là đảm bảo an toàn thực phẩm. Bởi chỉ có chăn nuôi quy mô lớn, đầu tư áp dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi thì mới đáp ứng được an toàn thực phẩm và tiến tới xuất khẩu”, ông Sơn nhấn mạnh.
Khi nghị quyết áp dụng vào cuộc sống, ông Sơn nhận định sẽ gặp khó khăn: Thứ nhất, tập quán chăn nuôi các hộ chăn nuôi bao nhiêu năm nay sinh sống bằng nghề chăn nuôi, bây giờ chuyển đổi nghề không hề đơn giản. Thứ hai, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu tận dụng rất chính đáng. Thứ ba, nếu chuyển đổi sang chăn nuôi quy mô lớn thì liên quan đến đất đai, tài chính, cơ sở vật chất…
Song khó khăn nhất trong việc thực hiện nghị định là việc người chăn nuôi ở các khu vực cấm theo nghị định phần lớn là người lớn tuổi, ở độ tuổi 50 – 60, thậm chí 70 tuổi sức khỏe tốt vẫn chăn nuôi được. Do đó, độ tuổi cao họ sẽ tiếp cận khá chậm với những ngành nghề khác. Những hộ này có thói quen chăn nuôi truyền thống nhiều năm nay. Nhưng khi đô thị hóa, họ phải chuyển đổi nghề khác. Thay đổi tập quán có lẽ cũng không đơn giản một sớm một chiều. Hà Nội đưa ra lộ trình thực hiện việc cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm này trong thời gian 3 năm tới.
Thời gian tới, TP giao cho các sở, ngành tìm việc làm, đào tạo nghề, phát huy các làng nghề truyền thống. Đặc biệt các vùng bãi như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên… sẽ cho chuyển đổi nghề trồng hoa, cây cảnh có thu nhập cao. Thậm chí người chăn nuôi có thể đi làm thuê cho người có thu nhập cao, đi làm ô sin… Với những người lớn tuổi, Nhà nước tuyên truyền rồi thì người dân phải có ý thức chủ động đi tìm việc…
“Tới đây cùng với tuyên truyền, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, thậm chí xử phạt vi phạm hành chính nếu như thực hiện không đúng. Hy vọng khi tổ chức thực hiện xong, tuyên truyền mạnh các quận, huyện tổ chứ triển khai, tháo gỡ khó khăn đến từng hộ. Chúng tôi tin rằng thời gian tới sẽ thực hiện tốt Nghị quyết 02 của TP”, ông Nguyễn Ngọc Sơn. |