Từ nhà chống lũ cho đến nơi tạm trú, cũng như các tiện ích khác dành cho người dân, đều là những yếu tố phải được tính toán tỉ mỉ và chu đáo
Các tỉnh khu vực miền Trung đang hứng chịu những đợt mưa bão liên tục. Người dân Từ Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Huế, Quảng Nam đều không thể ngờ thiên tai lại dồn dập và phức tạp như vậy. Hàng nghìn căn nhà chìm trong nước lụt và hàng nghìn già trẻ phải dắt díu nhau sơ tán.
Thiệt hại vật chất và thiệt hại nhân mạng đều đã xảy ra. Người miền Trung kiên cường bao đời nay đã quen với giông gió, nhưng mức độ và cường độ của thiên tai đang dần dần vượt qua sự tiên liệu và sức chịu đựng của họ. Cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào miền Trung, đang được cả nước quan tâm và chia sẻ. Rất nhiều đoàn cứu trợ đã lên kế hoạch giúp đỡ những hoàn cảnh khốn đốn vì bão lụt ở miền Trung.
Tuy nhiên, chúng ta cần xác định với nhau rằng, những điều khủng khiếp đang bủa vây đồng bào miền Trung chính là hậu quả của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, chứ không phải diễn biến thời tiết bình thường. Vì vậy, ứng phó thiên tại không chỉ cần tình thương, mà còn cần chiến lược căn cơ hơn.
Trong mưa bão, sự đoàn kết và đùm bọc giữa con người với con người được thể hiện rất cao đẹp. Ngoài ra, các đơn vị nghiệp vụ của quân đội và công an cũng triển khai hiệu quả ở những nơi xung yếu để cùng người dân vượt qua nguy nan.
Chúng ta có sẵn lòng tốt, nhưng chúng ta vẫn đang thiếu giải pháp chống chọi thiên tai. Không thể tái diễn cảnh tượng dòng người mệt mỏi vì tránh lụt, không thể tái diễn cảnh tượng lương thực và thuốc men phải kêu gọi quyên góp từ nhiều nguồn lực xã hội khác nhau. Chúng ta cần giải pháp sống chung bền vững với biến đổi khí hậu.
Bây giờ, không còn gì để nghi ngờ về câu chuyện Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Các cơn bão và áp thấp nhiệt đới đã có quỹ đạo khó lường hơn, và lũ lụt của bất thường hơn.
Không thể xem mì gói cứu đói như một biện pháp lâu dài cho cuộc chiến chống chọi thiên tai một cách thường xuyên. Chúng ta phải có phương án để đối phó, mà mỗi người dân đều được trang bị cả kiến thức lẫn kỹ năng. Từ nhà chống lũ cho đến nơi tạm trú, cũng như các tiện ích khác dành cho người dân, đều là những yếu tố phải được tính toán tỉ mỉ và chu đáo.
Mỗi mùa mưa bão, những chuyến cứu trợ mang đầy tình thương khiến cộng đồng cảm động, và cũng khiến cộng đồng băn khoăn. Một chương trình hành động quốc gia để chống chọi thiên tai là mong muốn thiết tha của người Việt Nam hôm nay.
Để có các kịch bản biến đổi khí hậu đủ tin cậy phát huy tác dụng, có lẽ cần áp dụng nhiều mô hình khác nhau, trong đó có mô hình quốc gia và mô hình quốc tế.
Ông bà chúng ta từng nhắc nhở “đừng để nước đến chân mới nhảy”, thì hôm nay biến đổi khí hậu toàn cầu lại nhắc nhở chúng ta phải chuẩn bị nhiều hơn nữa để sống chung với thiên tai.