Quảng Bình: Lũ lớn kỷ lục, hơn 57.000 nhà dân ngập chìm trong biển nước 

Đến tối 18/10/2020, mưa to vẫn liên tục xảy ra trên diện rộng ở khắp tỉnh Quảng Bình. Nước trên các sông tại một số nơi tiếp tục lên cao, hơn 57.000 ngôi nhà bị ngập lụt, người dân nhiều nơi kiệt sức khi gồng mình chống chọi với mưa lũ.

Chính quyền các địa phương cùng lực lượng chức năng vẫn đang tích cực triển khai công tác ứng cứu, hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho người dân trong mưa lũ. Toàn tỉnh đã thực hiện di dời gần 3700 hộ từ những vùng ngập lụt, có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm đến nơi an toàn.

Hơn 57.000 ngôi nhà của các hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị ngập sâu vì lũ lớn kỷ lục.
Nhà của người dân ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh bị ngập chìm trong biển nước.
Nước lũ dâng cao, nước từ thượng nguồn đổ về ngày càng mạnh khiến hơn 57.000 ngôi nhà của người dân Quảng Bình ngập sâu trong nước từ 1m đến trên 3,5m.
Nhiều nhà dân, thôn, bản ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bị ngập lụt, chia cắt cục bộ.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Ho giúp dân huyện Lệ Thuỷ ứng phó với mưa lũ.
Ở trường Tiểu học số 2 Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, giáo viên chỉ còn cách dùng thuyền thúng bơi vào bên trong để kiểm tra, nắm tình hình.
Nước trên sông Nhật Lệ lên cao, tràn vào gây ngập các tuyến đường ven sông ở thành phố Đồng Hới.
Khu dân cư phía Đông Cầu Ngắn, phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới giữa mênh mông biển nước.
Hiện tại, tỉnh Quảng Bình có 59 bản/8xã /04 huyện biên giới bị chia cắt do mưa lũ.

Mưa to liên tục xảy ra trên diện rộng tại tỉnh Quảng Bình cũng khiến nhiều tuyến, điểm giao thông huyết mạch, độc đạo về các địa phương bị ngập sâu, chia cắt, sạt lở và cô lập. Cụ thể: quốc lộ 1A, tuyến quốc lộ 1 cũ, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, quốc lộ 12C, 12A, 15, 9B, 9C, 9E; các tuyến đường tỉnh 558C, 559, 559B, 562…

Người dân rất khó khăn và gặp nhiều nguy hiểm khi qua lại các tuyến đường bị sạt lở do mưa lũ.
Đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng do mưa lũ.
Các tuyến, điểm giao thông huyết mạch, độc đạo về các địa phương bị chia cắt, sạt lở và cô lập.
Nguồn: