Theo ông Cường, trong thời gian ngắn, Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị đạt 3 đỉnh lũ lịch sử. Riêng sông Hiếu và sông Thạch Hãn đầy ắp nước là tình trạng chưa bao giờ xảy ra.
Tại cuộc họp với tỉnh Quảng Trị trưa 18/10 để ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh phải nắm rõ đặc điểm thiên tai để có giải pháp triển khai đạt hiệu quả.
3 đỉnh lũ trong 11 ngày
Ông cho biết từ 6/10 đến nay, ở miền Trung, đặc biệt ở Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, có đặc điểm chú ý là mưa lũ lịch sử đạt 3 đỉnh. Từ 6 đến 12/10 có 2 lần đạt đỉnh mưa đặc biệt lớn do tác động của cơn bão số 6, hoàn lưu cơn bão số 7 cộng với đợt mưa dài ngày (6-11/10). Thậm chí, có những chỗ đạt lượng mưa bằng tổng lượng mưa cả năm.
Đỉnh thứ 3 xuất hiện ngày 16-17/10 tại Quảng Trị. “Sông Hiếu và sông Thạch Hãn đầy ắp nước lịch sử, chưa bao giờ xảy ra tình trạng như thế”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Theo ông, địa bàn tỉnh ngập sâu đến mức “toàn tuyến không có chỗ nào không ngập”, 101 xã đều bị.
“Như vậy, trong 11 ngày có 3 đợt lũ chồng lũ. Chỉ thời gian ngắn như vậy mà trên địa bàn 5 tỉnh miền Trung, ở vùng biển và đồng bằng tất cả đầy ắp nước. Đó là đặc điểm hết sức lưu ý”, ông Cường nhấn mạnh.
Về giải pháp tập trung cứu hộ, cứu nạn, Bộ trưởng Nông nghiệp kiến nghị Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (có mặt tại cuộc họp) chỉ đạo Quân khu 4 và UBND tỉnh phải có bộ phận trinh sát, áp dụng khoa học công nghệ đi trước một bước.
“Phải dùng tất cả flycam để dò tuyến, kiểm tra cho chắc chắn vì toàn bộ tuyến rừng của ta đang cực kỳ xung yếu. Nếu không có động tác trinh sát để tham mưu thì công tác ứng phó, giải quyết sự cố sẽ không hiệu quả, thậm chí sẽ có nhiều hệ lụy”, ông Cường cảnh báo.
Ông nhắc lại cần tập trung để lực lượng trinh sát đi trước một bước, sau đó mới phác thảo tìm phương án tiếp cận, cứu hộ.
Đặc biệt, dù nước bắt đầu rút nhưng nếu không quán triệt kỹ sẽ xảy ra thương vong ngay khi nước rút.
Thông đường vào hiện trường để cứu hộ, cứu nạn
Khi ông Cường đang báo cáo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện cho Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng để hỏi thăm tình hình Quảng Trị.
Phó thủ tướng báo cáo người đứng đầu Chính phủ sơ bộ tình hình và cho biết sẽ chuyển lời hỏi thăm của Thủ tướng đến bà con Quảng Trị, gửi lời chia sẻ mất mát, đau thương với những gia đình có người thân bị nạn.
Phó thủ tướng cho biết Thủ tướng rất quan tâm, nóng ruột và thường xuyên hỏi thăm tình hình. Hôm nay, dù phải họp Bộ Chính trị, Thủ tướng cũng gọi điện từng giờ để cập nhật thông tin và chỉ đạo cụ thể.
Qua điện thoại, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng tập trung, khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm những người còn mất tích.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết từ 6/10 đến nay, các tỉnh miền Trung có mưa lũ rất lớn kèm theo sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, tính mạng người dân. Nhiều tuyến đường sạt lở, không thể thông tuyến được.
Đặc biệt, lúc 1h25 ngày 18/10, 27 sĩ quan, chiến sĩ của Đơn vị Kinh tế Quốc phòng 337 (Đơn vị 337) đã gặp nạn, 22 người bị vùi lấp trong đất. Công tác cứu trợ đang được thực hiện khẩn trương.
Phó thủ tướng lưu ý hiện nay do mưa lũ rất lớn, lũ chồng lũ trong thời gian ngắn, vừa lũ cao vừa ngâm nước nhiều ngày nên nền đất rất yếu, dễ bị sạt lở, rất nguy hiểm. Vì thế, ngành chức năng phải vừa tiếp tục ứng phó với thời tiết, vừa khẩn trương, tập trung, quyết liệt để tìm kiếm người mất tích, cứu chữa những người bị thương. “Đây là nhiệm vụ số một”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông yêu cầu rà soát khu vực nguy hiểm, tập trung quyết liệt để di dân, kịp thời hỗ trợ người dân về lương thực, thực phẩm, thuốc men để dân không đói rét, bị bệnh.
Phó thủ tướng đề nghị địa phương có hỗ trợ trước mắt cho người dân, còn Bộ Nông nghiệp tổng hợp tất cả nhu cầu, kiến nghị của các địa phương để báo cáo Thủ tướng có kế hoạch hỗ trợ trước mắt và lâu dài.
Thông tin thêm về tuyến đường giao thông vào hiện trường nơi 22 chiến sĩ Đơn vị 337 bị vùi lấp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết quốc lộ dẫn vào hiện trường đang bị tạm phong tỏa, và đây là điểm nghẽn lớn nhất trong cứu hộ.
Các lực lượng đang cố gắng thông đường để đưa phương tiện, thiết bị vào cứu hộ. Song theo Thứ trưởng Bộ GTVT, từ bài học vụ Rào Trăng 3, sau khi thông đường thì việc tiếp cận hiện trường phải từ từ, cẩn trọng bởi nguy cơ sạt lở vẫn còn cao.