Biển Đông lại sắp hứng bão

Áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines khả năng mạnh thành bão, sau đó di chuyển vào Biển Đông với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Sáng 19/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía đông thuộc miền trung Philippines. Sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.

Trong 24 giờ tới, hình thái này di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20 km/h và khả năng mạnh thành bão. Sáng 20/10, tâm bão cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 350 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Sau đó, bão giữ nguyên hướng đi, tăng tốc lên 25 km/h và đi vào Biển Đông. Sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, giật cấp 10 và có thể mạnh thêm.

Rạng sáng 21/10, bão cách quần đảo Hoàng Sa 770 km. Sau đó, bão đổi hướng, dịch chuyển theo hướng tây và giảm vận tốc xuống còn 15 km/h. Bão có khả năng tiếp tục mạnh lên.

Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông trong 3 ngày tới. (Ảnh: NCHMF)

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định bão trên Biển Đông trong những ngày tới khả năng tác động cực đoan đến thời tiết miền Trung. Mưa lớn có thể tiếp diễn tại Trung Bộ trong các ngày 22-26/10.

Như vậy, mưa lũ ở miền Trung chưa có dấu hiệu kết thúc trong vòng 1 tuần tới do liên tục chịu ảnh hưởng của không khí lạnh và xoáy thuận nhiệt đới trên biển.

Ngày 19-20/10, ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ, mưa lớn tiếp diễn ở Hà Tĩnh, Quảng Bình với lượng phổ biến 200-400 mm, có nơi trên 400 mm.

Tại Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, mưa có xu hướng giảm hơn những ngày qua khi vũ lượng dao động 150-250 mm trong 3 ngày tới. Tại Quảng Nam và Quảng Trị, mưa giảm xuống còn 50-100 mm/đợt.

Cơ quan khí tượng cảnh báo ảnh hưởng của mưa lớn khả năng kéo dài nhiều ngày, nhiều tỉnh miền Trung nguy cơ tái diễn ngập lụt diện rộng. Khu vực các huyện miền núi từ Thanh Hóa đến Quảng Nam đề phòng lũ quét, sạt lở.

Trước đó, ngày 16/10, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành vùng áp thấp trước khi đổ bộ các tỉnh Trung Trung Bộ. Hoàn lưu của hình thái này kết hợp không khí lạnh và nhiều tổ hợp thời tiết khác, gây ra một đợt mưa lớn diện rộng cho các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, với cao điểm mưa lũ vào các ngày 17-19/10.