Việt Nam cần hoàn thiện hơn luật pháp về bảo tồn động vật hoang dã

Nhằm đối phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã ban hành chỉ thị về buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, chỉ thị không phải là lệnh cấm mà chỉ yêu cầu, đốc thúc một số bộ ngành cải thiện việc thực thi quy định và đưa ra hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các vi phạm về buôn bán động vật hoang dã.

Chà vá chân nâu (Genus Pygathrix) ở Việt Nam. (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay)

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), hiện có ba luật quan trọng liên quan đến quản lý bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam là Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Thủy sản 2017 và Luật Bảo tồn đa dạng sinh học 2008. Ngoài ra, Luật Đầu tư 2014 cũng bao gồm những vấn đề liên quan đến việc các loài hoang dã có thể được buôn bán hoặc đầu tư tại các trang trại và các cơ sở thương mại khác. Dưới mỗi luật lại có một số nghị định và thông tư được ban hành kèm theo nhằm hướng dẫn chi tiết việc thực thi các quy định. Đặc biệt, Việt Nam có Bộ Luật Hình sự để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm động vật hoang dã và có nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với các hành vi vi phạm ở mức độ nhẹ hơn. Ngoài ra, Việt Nam cũng tuân thủ theo quy định của Công ước CITES.

Giám đốc quốc gia FFI Việt Nam Josh Kempinski cho biết: “[Ở Việt Nam], các luật có xu hướng bao quát, chẳng hạn như bao gồm mọi khía cạnh của rừng [chứ không riêng về động vật hoang dã]. Các nghị định sẽ quy định chi tiết hơn nội dung của luật, và tiếp theo là các thông tư hướng dẫn cụ thể cách các luật hoặc nghị định được thực thi”.

Nhận định về chính sách pháp luật bảo tồn của Việt Nam, ông Kempinski và bà Hà cho rằng hệ thống chính sách Việt Nam khá đầy đủ. “Hình phạt trong luật hiện nay rất nghiêm khắc, các chuyên gia nước ngoài cũng thừa nhận điều này”, bà Hà cho hay. “Săn trộm trong khu vực cấm được coi là một tình tiết tăng nặng, vì vậy, tội sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Thông thường, hình phạt đối với các vi phạm về động vật hoang dã liên quan đến các loài được bảo vệ hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng động vật. Vì vậy, nếu bạn bị bắt với một con tê tê, hình phạt đầu tiên sẽ từ 1-5 năm tù, trong khi 3 con tê tê sẽ ở khung hình phạt mức hai từ 5- 10 năm tù”.

Tuy nhiên, hai chuyên gia cho rằng trong quá trình thực thi, có một số chồng chéo giữa các luật, nhất là sự thiếu nhất quán trong việc đưa các loài vào danh sách phân loại, đồng thời có sự chồng chéo nhiệm vụ giữa Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT. “Cả hai bộ đều chịu trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã dẫn đến một số chồng chéo trong chức năng, ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật”, bà Hà phân tích.

“Nếu đọc Luật Lâm nghiệp, bạn sẽ thấy một số lĩnh vực cùng được điều chỉnh trong cả Luật Thủy sản và Luật Bảo tồn đa dạng sinh học nên có một số chồng chéo có thể gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là khi xử lý các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã”. Đơn cử, có 86 loài động vật được đưa vào cả Nghị định 64/2019/NĐ-CP do Bộ TN&MT đề xuất và Nghị định 06/2019 do Bộ NN & PTNT đề xuất. Theo bà Hà, danh sách này bao gồm những loài quan trọng, thường được xếp nhóm cực kỳ nguy cấp như voi châu Á, hổ Đông Dương, rắn hổ mang chúa và hồng hoàng. Hai nghị định này mặc dù cùng đề cập đến một số loài động vật hoang dã nhưng lại có mục tiêu khác nhau. Nghị định 64/NĐ-CP ưu tiên bảo vệ các loài được liệt kê trong danh sách, nghĩa là không được khai thác cho mục đích thương mại trong khi Nghị định 06/2019 chia các loài thành hai nhóm: loài không thể khai thác để sử dụng cho mục đích thương mại và những loài có thể khai thác nhưng phải tuân theo một số quy định nhất định. Cả hai nghị định đều đang có hiệu lực, nghĩa là các cơ quan thực thi pháp luật có hai danh sách riêng biệt với ưu tiên bảo vệ khác nhau cần xem xét khi khởi tố vụ án tội phạm về động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, bà Hà cũng nhấn mạnh đến sự nhập nhằng về quy định xung quanh các cơ sở bảo tồn và trang trại: “Ngay bây giờ, chúng ta cần có những nguyên tắc chung cho quản lý các cơ sở bảo tồn và các cơ sở phi thương mại nuôi động vật. Đây có thể là vườn thú hoặc trung tâm cứu hộ hoặc các loại hình cơ sở khác trưng bày động vật hoang dã chứ không nuôi hoặc bán. Tuy nhiên, chúng ta không có quy định chi tiết về cách phân loại và cách quản lý chúng theo mục đích của các cơ sở này”.

Rừng ở núi đá vôi tại Việt Nam. (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay).

Không có luật nào quy định về hoạt động của các cơ sở này hoặc liệu một loài có thể được nhân giống tại một cơ sở hay những điều kiện cần có nếu một loài đang được nhân giống. “Nếu không kiểm soát được điều đó, chúng ta sẽ thấy hổ được nuôi mà không mang giá trị bảo tồn, và đó là một vấn đề”, bà Hà cho hay.

Trong khi đó, các trang trại động vật hoang dã thương mại có thể được sử dụng làm vỏ bọc để “rửa” động vật bị bắt từ tự nhiên, nhất là khi việc thành lập một trang trại tương đối dễ dàng. “Chúng tôi muốn có luật định rõ ràng về những loài nào được nuôi dựa trên khả năng tồn tại trong môi trường nuôi nhốt”.

“Nhìn chung, Việt Nam có nền tảng và cơ sở pháp lý vững vàng cho bảo tồn đa dạng sinh học”, Benjamin Rawson, Giám đốc phát triển chương trình và bảo tồn tthuộc WWF-Việt Nam cho biết. “Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là [phải] đảm bảo thực thi đúng đắn, hiệu quả tất cả các nghị định, quyết định và luật có liên quan. Thiếu nguồn lực để giám sát và thực thi tại chỗ là những điểm yếu làm giảm hiệu quả của các luật bảo tồn”.

Ngoài ra, Rawson cũng chỉ ra một số thiếu sót đối với luật về bảo tồn biển: “Ví dụ, Luật Thủy sản cấm khai thác cá chưa đạt kích cỡ. Nhưng không có luật nào khác hướng dẫn cách xử lý vi phạm hậu khai thác, có nghĩa là vi phạm chỉ có thể bị phạt khi ngư dân đánh bắt, trong khi bất kỳ giao dịch nào sau khai thác rất khó bị phạt”.

Theo thông tin tích cực hơn, phân tích gần đây của ENV cho thấy Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực vào tháng 1/2018) đưa ra mức phạt nghiêm khắc hơn đối với tội phạm về động vật hoang dã, tăng mức phạt tối đa cho các hành vi vi phạm nghiêm trọng từ 21.500 lên 86.000 đô la. Trong khi đó, mức án tù tối đa tăng từ 7 năm lên 15 năm.

Để so sánh, tại một điểm nóng đa dạng sinh học khác ở Đông Nam Á là Indonesia, mức án tối đa cho tội buôn bán các loài được bảo vệ chỉ là 5 năm, mặc dù những hình phạt như vậy hiếm khi được đưa ra. Tháng 10/2018, hai người đàn ông ở tỉnh Aceh bị kết án 4 năm tù vì tội thịt hổ Sumatra cực kỳ nguy cấp.

Tác động của Bộ luật Hình sự sửa đổi ở Việt Nam là khó có thể bỏ qua.

Bọ xít trong rừng. (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay).

Từ đầu năm 2018 đến cuối 2019, ENV ghi nhận số vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã tăng 44%, trong khi số vụ buôn bán bị bắt giữ nửa đầu năm 2020 là 97,2%, so với mức 86,7% từ năm 2015 đến 2019.

Hơn nữa, 83,6% số vụ bắt giữ tội phạm buôn lậu năm 2018 bị truy tố, con số dự kiến sẽ tăng lên 88% cho năm 2019, mặc dù hiện còn 19 vụ vẫn đang chờ xử lý. Tháng 5/2020, ba người đàn ông ở Cà Mau bị tuyên phạt lần lượt 13, 12 và 10 năm tù vì vận chuyển hàng trăm cá thể tê tê và số lượng lớn vảy.

Những thay đổi như vậy khiến Kempinski vui mừng: “Chính quyền các ngày càng nhận thức rõ và lo ngại về tình trạng mất đa dạng sinh học nghiêm trọng. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là ở cấp độ thực địa nhưng xu hướng là đáng lạc quan một cách thận trọng”.

ENV gần đây công bố 10 hành động quan trọng mà tổ chức này cho là cần thiết để tiếp tục cuộc chiến chống buôn lậu động vật hoang dã, trong đó có dẹp bỏ những kẻ cầm đầu mạng lưới tội phạm về động vật hoang dã, loại bỏ tham nhũng, thực hiện lệnh cấm rõ ràng đối với mọi hình thức buôn bán thương mại các loài có nguy cấp và tăng cường quản lý các cơ sở bảo tồn.

Ếch trong mùa kết đôi. (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay).

Tham nhũng là một vấn đề dai dẳng ở Việt Nam, cản trở thực thi pháp luật và bảo tồn động vật hoang dã cũng không ngoại lệ. “Tội phạm được các quan chức tham nhũng hỗ trợ lách luật”, ENV lưu ý. “Tham nhũng có nhiều hình thức, từ việc cấp giấy phép nuôi động vật hoang dã thương mại để che đậy cho hoạt động rửa tiền của tội phạm cho đến bỏ lọt tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan qua các sân bay, cảng biển và biên giới”.

Kempinski cho biết Chính phủ Việt Nam sẵn sàng làm việc với các tổ chức bảo tồn để cải thiện, dù loại bỏ tham nhũng và giải quyết các vấn đề khác trong luật bảo tồn quốc gia cần nhiều thời gian và công sức: “Vẫn còn một số lỗ hổng và chồng chéo pháp lý nhưng Luật Lâm nghiệp gần đây đã giải quyết được phần lớn điều đó. Hiện Việt Nam đang tiếp tục sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường, sau đó đến Luật Đa dạng sinh học, vì vậy đây là một quá trình liên tục, và điều đáng ghi nhận là Chính phủ rất hoan nghênh ý kiến đóng góp từ các chuyên gia cũng như xã hội dân sự về những sửa đổi này”.

Nhật Anh (Theo Mongabay)

Nguồn: