Ngày 12/10, các nhà nghiên cứu của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết 20 năm đầu của thế kỷ này đã chứng kiến sự gia tăng “đáng kinh ngạc” về thảm họa khí hậu, đồng thời khẳng định rằng “hầu hết các quốc gia” đã thất bại trong việc ngăn chặn làn sóng dịch bệnh Covid- 19 gây số ca tử vong cao.
Trong một lời kêu gọi khẩn cấp cho các quốc gia nhằm chuẩn bị tốt hơn cho tất cả các hiện tượng thời tiết thảm khốc – từ động đất và sóng thần đến các mối đe dọa như đại dịch Covid-19 – dữ liệu từ Văn phòng của LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) cho rằng các quốc gia giàu có đã chưa thực sự nỗ lực để giải quyết tác hại khí thải có liên quan đến các mối đe dọa khí hậu gây ra phần lớn các thảm họa ngày nay.
7.348 trận thiên tai trong 2 thập kỷ qua
“Các cơ quan quản lý thiên tai đã thành công trong việc cứu sống nhiều người thông qua việc cải thiện khả năng ứng phó và sự cống hiến của nhân viên và tình nguyện viên. Tuy nhiên, khó khăn vẫn tồn tại, đặc biệt là do các nước công nghiệp đang thất bại nặng nề trong việc giảm phát thải khí nhà kính”, Mami Mizutori, Giám đốc UNDRR cho biết.
Báo cáo của UNDRR được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học về thảm họa tại Đại học Louvain của Bỉ cho thấy thế giới đã ghi nhận 7.348 trận thiên tai trong 2 thập kỷ qua. Thiên tai đã khiến 1,23 triệu người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của 4,2 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế lên đến 2.970 tỷ USD trong 20 năm qua. Theo dữ liệu, các quốc gia nghèo hơn có tỷ lệ tử vong cao hơn 4 lần so với các quốc gia giàu có.
Con số này được so sánh với số liệu của giai đoạn 20 năm trước đó (1980-1999), với 4.212 thảm họa thiên tai, khiến 1,19 triệu người chết, hơn 3 tỷ người bị ảnh hưởng và thiệt hại kinh tế tổng cộng 1,63 nghìn tỷ USD.
Nguy cơ khí hậu tăng đột biến
Mặc dù những số liệu và báo cáo về các thảm họa có thể giúp giải thích phần nào sự gia tăng trong 2 thập kỷ qua, nhưng các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự gia tăng mạnh các trường hợp khẩn cấp liên quan đến khí hậu là lý do chính dẫn đến sự gia tăng đột biến, với lũ lụt chiếm hơn 40% các thảm họa – ảnh hưởng đến 1,65 tỷ người, bão chiếm 28%, động đất chiếm 8% và nhiệt độ khắc nghiệt chiếm 6%.
“Đây là bằng chứng rõ ràng rằng trong một thế giới mà nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2019 cao hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các tác động xuất hiện khi các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, bao gồm sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt, bão mùa đông, bão và cháy rừng”, UNDRR cho biết.
Phơi nhiễm với Covid-19
Mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức và thiếu sót trong quản lý rủi ro thiên tai. Trong bối cảnh này, báo cáo của UNDRR khuyến nghị chính phủ các nước cần hành động khẩn cấp để quản lý tốt hơn những thảm họa chồng chéo như vậy.
Những mối nguy này bao gồm các “nguy cơ rủi ro” đã biết, chẳng hạn như nghèo đói, biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, gia tăng dân số ở các khu vực nguy hiểm, đô thị hóa không kiểm soát và mất đa dạng sinh học.
Rủi ro thời tiết kéo dài
Dẫn chứng về rủi ro thời tiết kéo dài, UNDRR chỉ ra rằng việc thay đổi mô hình mưa gây ảnh hưởng đến 70% nông nghiệp toàn cầu dựa vào mưa và 1,3 tỷ người chịu sự suy thoái đất nông nghiệp.
Bà Mizutori cho biết, mặc dù thực tế cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan đã diễn ra quá thường xuyên trong 20 năm qua, nhưng chỉ có 93 quốc gia thực hiện các chiến lược rủi ro thiên tai ở cấp quốc gia trước thời hạn cuối năm.
Bà Mizutori nhấn mạnh: “Quản lý rủi ro thiên tai phụ thuộc vào sự lãnh đạo chính trị và thực hiện những cam kết khi thỏa thuận Paris và Khung Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai được thông qua. Tuy vậy, sự thật đáng buồn là chúng ta cố tình phá hủy. Đó chính là kết luận của báo cáo này; COVID-19 là bằng chứng mới nhất cho thấy các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa hòa nhập với thế giới xung quanh họ”.
UNDRR cảnh báo mặc dù đã có một số thành công trong việc bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương khỏi các mối nguy hiểm cô lập nhờ các hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả hơn, khả năng ứng phó và chuẩn bị cho thảm họa, nhưng nhiệt độ toàn cầu gia tăng theo dự báo có thể khiến những thành công này dần biến mất ở nhiều quốc gia.
Hiện tại, nhiệt độ toàn cầu đang có xu hướng tăng đến 3,2 độ C trở lên nếu các nước công nghiệp phát triển không thể giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 7,2% hàng năm trong 10 năm tới để đạt được mục tiêu 1,5 độ C theo thỏa thuận Paris.