Ngày 14/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Thông tin các tổ chức phi chính phủ (NGOIC) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường các dự án thủy điện một số tỉnh miền núi phía Bắc”.
Theo ThS. Nguyễn Tuấn Cường (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương), sau khi rà soát, các tỉnh miền núi phía Bắc có 491 dự án thủy điện trong quy hoạch với tổng công suất 13.720 MW, chiếm 49% tổng công suất cả nước. Trong đó có 194 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 9585 MW, chiếm 70% tổng công suất đã quy hoạch.
TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng bên cạnh những tác động tích cực thì các dự án thủy điện ở miền núi phía Bắc cũng bộc lộ rõ những tồn tại, hạn chế như: phá hỏng cảnh quan môi trường ở khu vực có tiềm năng du lịch do không duy trì dòng chảy tự nhiên và gây phá rừng, nhất là rừng tự nhiên; một số dự án xây dựng trên dòng chính ảnh hưởng tới môi trường, ngăn đường cá đi, làm mất đa dạng sinh học, tăng nguy cơ sạt lở hạ du, thậm chí gây tổn thất về tải sản và người nếu điều tiết xả lũ không hợp lý…
Giải pháp quan trọng để hạn chế tác động tiêu cực từ các dự án thủy điện là trồng bù rừng. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc này. PGS.TS. Triệu Văn Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam cho hay có 5.120 ha rừng ở miền núi phía Bắc bị chuyển sang làm thủy điện trong giai đoạn 2006-2014, diện tích rừng phải trồng bù là gần 9.000 ha nhưng đến năm 2018 thì các tỉnh miền núi phía Bắc mới trồng được 8.199 ha rừng thay thế, nhiều tỉnh như Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn chưa thực hiện nghiêm túc.
PGS. Hùng nhấn mạnh kết quả trồng rừng thay thế ở các dự án thủy điện chủ yếu là thống kê diện tích mà chưa đánh giá chất lượng, rừng bị mất phần lớn là rừng tự nhiên nhưng rừng trồng thay thế chưa quy định cụ thể về thành phần loài cây cũng như phương thức trồng nên không bù đắp được giá trị đa dạng sinh học và môi trường của rừng đã mất.
Để bảo vệ môi trường, hạn chế tác động tiêu cực từ các dự án thủy điện miền núi phía Bắc, TS. Đào Trọng Tứ, Phó chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam cho rằng cần đánh giá thận trọng các dự án thủy điện nhỏ, kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định thiết kế theo từng giai đoạn và nâng cao chất lượng đánh giác tác động môi trường. Cơ quan quản lý nên rà soát quy hoạch, kiên quyết thu hồi những dự án thủy điện các nhà đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết quy định, không cấp phép cho các dự án đầu tư có ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội và cảnh quan môi trường.
Thế Anh