Mưa bão liên tục trong nhiều ngày qua, khiến nhiều đoạn đê biển Tây Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều đoạn đê biển có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào.
Ngày 13.10, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cà Mau cho biết, mưa bão kéo dài khiến cho nhiều đoạn đê biển Tây bị đe dọa nghiêm trọng. Mưa kèm theo sóng to, gió lớn khiến công tác gia hộ đê những đoạn sạt lở trước đây gặp vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, tại huyện Trần Văn Thời, đã có 14.285 ha lúa hè thu bị ngập và đổ ngã; 552ha lúa tôm bị ngập chìm trong nước và 26,5ha hoa màu bị ngập úng. Nâng tổng diện tích lúa hè thu bị ngập và đổ ngã trong 2 đợt mưa vừa qua là 16.127ha, 66,3ha hoa màu bị ngập úng, cùng nhiều ha nuôi tôm, cá bị tràn bờ.
Theo thống kê, thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường, từ đầu năm đến nay tại Cà Mau có 12 phương tiện khai thác thủy sản bị chìm, chết 05 người, mất tích 02 người; 20.851 hộ thiếu nước sạch sinh hoạt; làm sập, tốc mái 839 căn nhà; gây thiệt hại và ảnh hưởng bất lợi đến 23.394ha lúa, 182ha rau màu và 17.831ha nuôi trồng thủy sản; 43.584ha rừng bị khô hạn; trên 1.363 vị trí trên nhiều tuyến đường giao thông nông thôn và một số đoạn đê biển Tây bị sạt lở, sụp lún;…
Theo dự báo, từ nay đến hết năm 2020, trên khu vực biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 06 – 07 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 03 – 04 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trở vào phía Nam, kết hợp với gió mạnh, sóng cao trên biển sẽ làm cho tình hình sạt lở ven biển diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn, giông, lốc xoáy, sét, hạn hán,… sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình này, ngày 13.10, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản “hỏa tốc” chỉ đạo các đơn vị tăng cường phòng chống thiên tai, giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.