Bão số 7 và mưa lớn, ngập lụt diện rộng tại miền Trung khiến 40 người bị chết và mất tích, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm.
Mưa lũ, hoàn lưu bão số 6 và ảnh hưởng của bão số 7 gây nhiều hình thái thiên tai cực đoan đã khiến 28 người bị thiệt mạng, trong đó có 22 người do bị lũ cuốn; 3 thuyền viên trên biển, 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ.
Bão số 7 gây mưa lớn kèm nhiều hình thái thiên tai cũng đã khiến 12 người bị mất tích, trong đó có 8 người bị lũ cuốn; 4 thuyền viên gặp tai nạn chìm tàu trên biển). Trong đó, Quảng Trị: 5 người, Thừa Thiên-Huế: 1 người, Đà Nẵng: 3 người, Quảng Nam: 2 người, Gia Lai: 1 người.
Như vậy, số người mất tích đã giảm 2 người do đã tìm thấy thi thể.
Về tài sản, có 415 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng; số nhà bị ngập lên tới 131.077 ngôi.
Về giao thông, 137 điểm quốc lộ, 11.576m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); 19 điểm ngập (Quảng Bình: 3; Thừa Thiên-Huế: 16), ngành giao thông vận tải đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố.
Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49, 49B (Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, quốc lộ 9 (Quảng Trị); quốc lộ 9B, quốc lộ 15 (Quảng Bình).
Về nông nghiệp, 592ha lúa, 4.179ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588ha thủy sản bị thiệt hại; 293 con gia súc, 155.997 con gia cầm bị chết và bị cuốn trôi.
Về giáo dục, 244 điểm trường bị ngập (Quảng Bình: 28, Quảng Trị: 110; Đà Nẵng: 12, Quảng Nam: 30, Quảng Ngãi: 64).
Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.
Vẫn chưa tìm được 13 người bị mất tích do sạt lở
Chiều nay 9 (13.10), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có mặt tại tỉnh Thừa Thiên – Huế để kiểm tra tình hình mưa lũ và công tác cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế cũng vừa quyết định hoãn tổ chức Đại hội Đảng bộ để tập trung ứng phó thiên tai.
Đến thời điểm này, mặc dù Chính phủ, BCĐ Trung ương về PCTT và chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai công tác cứu hộ, nhưng chưa có thông tin mới về 13 công nhân của Thủy điện Rào Trăng bị mất tích do bị sạt lở.
Vừa khắc phục thiệt hại do lũ, vừa ứng phó với bão số 7
Theo BCĐ Trung ương về PCTT, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT liên tục phối hợp với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 7 và tình hình mưa lũ để tham mưu chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó.
Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải đã có công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động triển khi các biện pháp ứng phó với bão số 7 và tình hình mưa, lũ.
Các địa phương cũng tăng cường các biện pháp ứng phó, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển; quản lý, hướng dẫn tàu thuyền đang neo đậu, nhất là tàu vận tải, tàu neo đậu ở khu vực cửa sông. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương, Vu Gia – Thu Bồn và các hồ chứa khu vực Bắc Bộ đã đầy nước…
Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 triển khai chương trình “Triệu vòng tay hướng về đồng bào vùng lũ”.
Chương trình nhằm tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân người Việt Nam trong và ngoài nước quyên góp kinh phí đến các gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra; đặc biệt là với NLĐ bị ảnh hưởng kép mưa lũ và dịch COVID-19. Chương trình tiếp nhận tin nhắn ủng hộ từ ngày 1.9.2020 đến hết ngày 30.10.2020 với cú pháp: BL gửi 1407. Mỗi tin nhắn, bạn đã đóng góp 20.000 đồng cho các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào vùng lũ. Hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng, STK: 113000000758 tại Vietinbank – chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội; ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 129000015204; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank – chi nhánh Hà Nội, STK: 0021000303088. Ủng hộ miễn phí tại BIDV – chi nhánh Hoàn Kiếm, STK: 1240001122556 |
Tính đến 22 giờ đêm qua (12.10), đã có 4 tỉnh gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm:
6.500 tấn gạo (Quảng Bình: 3.000 tấn; Quảng Trị 1.500 tấn; Thừa Thiên Huế 1.000 tấn; Quảng Nam 1.000 tấm); 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị: 1,5 tấn; Thừa Thiên-Huế: 2 tấn; Quảng Nam: 2 tấn); 20.000 thùng mì tôm (Thừa Thiên-Huế: 10.000; Quảng Nam: 10.000); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn… |