Với lượng hồ, đập lớn nhỏ dày đặc (351 hồ, đập) trải đều khắp các huyện, thị trên địa bàn Hà Tĩnh; mỗi khi mùa mưa bão đến, nỗi lo lớn nhất đối với người dân nơi đây là vận hành xả lũ và an toàn hồ đập.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài suốt những ngày qua cũng khiến nỗi lo mất an toàn hồ đập lớn dần.
Hương Khê là “rốn lũ” của Hà Tĩnh, chỉ tính riêng huyện này đã có 157 hồ, đập các loại, ngoài ra còn có đập thủy điện Hố Hô ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư. Là huyện miền núi, địa hình lòng chảo trùng điệp, mùa nắng nơi đây thành “chảo lửa” còn mùa mưa Hương Khê ngập lụt thường xuyên. Công tác an toàn hồ đập luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân ở Hương Khê đặc biệt quan tâm.
Hà Tĩnh: Thủy điện Hố Hô có còn là nỗi ám ảnh?
Ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Các hồ chứa trên địa bàn huyện hiện nay đang trong tầm kiểm soát, đối với các hồ đập không đảm bảo an toàn, huyện quán triệt không tích nước, còn lại đều vận hành tốt.
Tuy nhiên, theo ông Ninh, huyện có nhiều hồ, đập xây dựng đã lâu, khả năng tích nước tối đa phục vụ sản xuất nông nghiệp không thực hiện được, một số công trình hư hỏng, xuống cấp cần kinh phí lớn để sửa chữa. Các tuyến đê, kè dọc sông Tiêm, sông Ngàn Sâu, sông bị sạt lở nghiêm trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng, của cải của người dân, rất cần được rà soát, đầu tư kinh phí để sửa chữa.
“Hương Khê bây giờ cần nhất là bản đồ ngập lũ. Bản đồ được xây dựng, theo dõi trên các phương tiện kỹ thuật hiện đại, tiện lợi, vừa có tác dụng quản lý, cảnh báo, vừa hỗ trợ trong công tác tìm kiếm cứu nạn”, ông Ngô Xuân Ninh nói.
Riêng đối với đập thủy điện Hố Hô, những năm trước luôn là nỗi ám ảnh của người dân huyện Hương Khê. Song, từ khi có quy trình xả lũ được Bộ Công thương phê duyệt, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão công trình thủy điện Hố Hô thực hiện việc điều tiết xả lũ nghiêm túc, đảm bảo an toàn hơn. Việc phối hợp với chính quyền địa phương huyện Hương Khê cũng chặt chẽ.
“Trước khi xả lũ, thủy điện Hố Hô sẽ phát tín hiệu bằng còi hú, phát thông báo đến chính quyền và người dân thông qua tin nhắn điện thoại. Họ vận hành xả lũ theo quy trình do Bộ Công thương phê duyệt, nếu sai quy trình này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì thế công tác vận hành những năm gần đây được nhà máy thực hiện nghiêm ngặt hơn”, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NNPTNT huyện Hương Khê cho biết.
Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác 351 hồ chứa nước, với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước. Trong đó có 90 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 15,74 m3/s. Hàng năm các công trình cấp nước phục vụ tưới cho trên 62.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác, cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.
Song, trong số đó, có 169 đập, hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp (đặc biệt có 57 công trình bị xuống cấp nghiêm trọng đề nghị bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn). Hồ chứa không tích nước do bị hư hỏng và có nguy cơ sự cố mất an toàn cao có 2 hồ là Khe Điếc ở huyện Hương Sơn và hồ Khe Làng ở huyện Nghi Xuân (hồ Khe Làng đã được bố trí vốn, hiện đang tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công). Hồ chứa hư hỏng phải tích nước hạn chế có 31 công trình.
Trong khi đó, theo Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, từ đêm 12/10 và 2 ngày tới, khu vực Hà Tĩnh tiếp tục xuất hiện mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 70 – 150, có nơi trên 150mm. “Đặc biệt sau ngày 16/10, địa bàn Hà Tĩnh sẽ có mưa to, lượng mưa lớn hơn nhiều” – ông Nguyễn Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh thông tin.
Quảng Nam: Điều tiết xả lũ, không gây bất thường cho hạ du
Chiều ngày 12/10, trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, ông Vũ Đức Toàn, Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng các kịch bản nằm trong quy trình và phối hợp với các địa phương bám sát theo dõi lượng mưa đề điều tiết nước cho phù hợp”.
Còn ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, hiện nay hồ chứa Thủy điện A Vương vẫn đang tiếp tục cắt lũ cho hạ du, hồ chứa thủy điện vẫn chưa đầy. Nhưng ông Thế cho rằng: “Nếu lượng mưa lên trên 500mm thì buộc phải xả tràn. Khả năng trong ngày 12/10 nước sẽ về đầy hồ A Vương”.
Còn ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung cho biết: “Thủy điện Sông Bung 4 đã xả về hạ du 500 m3/s và tích nước về hồ ngày 11/10 là 1.800 m3/s. Theo quy trình vận hành liên hồ chứa thì vào thời điểm này là mùa mưa bão, các hồ không được tích đầy 100% để dành dung tích đón lũ”.
Báo cáo mới nhất cũng cho biết, Công ty Thủy điện Sông Bung vận hành điều tiết với lưu lượng xả dự kiến 160-1.360 m3/s. Trong đó lưu lượng qua 2 tổ máy là 160 m3/s, lưu lượng điều tiết qua tràn 50-1.200 m3/s. Thủy điện A Vương xả tràn điều tiết với lưu lượng 200-2.000 m3/s. Còn Thủy điện Sông Tranh 2 từ tối 11/10 bắt đầu vận hành hồ chứa nhằm cắt, giảm lũ cho hạ du. Thông số điều tiết tại hồ vào lúc 13 giờ chiều 11/10 với mực nước hồ 164,63m, lưu lượng nước về hồ 2.932,41 m3/s. Thủy điện Sông Tranh sẽ vận hành xả lũ với lưu lượng dự kiến 200 – 2.000 m3/s.
Lãnh đạo các Công ty thủy điện nói trên đều khẳng định, lưu lượng xả qua tràn sẽ được điều tiết tăng dần đảm bảo không gây dòng chảy đột biến, bất thường ở hạ du.
Còn về tình hình các hồ thủy lợi tại Quảng Nam, tính đến sáng ngày 12/10 trong tổng số 17 hồ chứa vừa và lớn do Công ty Thủy lợi Quảng Nam quản lý đã có 10 hồ nước đầy dung tích hữu ích, 1 hồ trên 90%, 4 hồ trên 50%, còn lại 2 hồ dưới 50% dung tích. Công trình lớn như hồ Phú Ninh chưa xả lũ về hạ du.
Tại thời điểm này, các hồ chưa nước tại Quảng Nam vẫn nằm trong sự kiểm soát, an toàn. Tuy nhiên, với đợt mưa lớn kéo dài dự báo sắp tới thì việc bảo đảm tuyệt đối an toàn là vô cùng cần thiết.