Sản lượng điện tại các nhà máy điện than của Trung Quốc vẫn ở mức cao, bất chấp mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Bắc Kinh.
Tại các mỏ khai thác than ở Cam Túc, một tỉnh vùng sâu vùng xa của Trung Quốc, từng hàng dài xe tải chở than xóc nảy, cuốn theo từng lớp bụi mù mịt dọc theo con đường đất hẹp. Gần đó, những trụ sắt cao chót vót của cây cầu đường sắt mới đã xuất hiện giữa dòng sông bùn uốn lượn qua từng ngọn đồi.
Huaneng, một trong 5 tập đoàn nhà nước lớn của Trung Quốc, đang trong quá trình xây dựng dự án điện than 4 GW tại nhà máy nhiệt điện Zhengning, gần thành phố Khánh Dương.
Với vốn đầu tư 1,9 tỷ USD, nhà máy này dự kiến là nguồn cung cấp điện chính cho khu vực miền đông Trung Quốc. Dự án mới được tái khởi động vào tháng 7 sau 4 năm bỏ ngỏ.
Sản xuất quá nhiều điện
Cuối tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khiến thế giới bất ngờ khi cam kết Trung Quốc sẽ hướng đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn lượng khí thải carbon vào năm 2060. Nhưng thực tế, Bắc Kinh đang vô cùng lo lắng về an ninh năng lượng, việc làm và tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thời hậu dịch Covid-19.
Tại Cam Túc, có ít nhất 3 nhà máy nhiệt điện tại đây đã đóng cửa từ năm 2017 do chi phí môi trường đắt đỏ và sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo khác rẻ và phổ biến hơn. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn không ngừng bơm tiền vào các nhà máy điện gió, điện mặt trời và thủy điện.
Chính quyền Bắc Kinh cho rằng bản thân dự án nhà máy nhiệt điện Zhengning không có khả năng đe dọa tới bất kỳ mục tiêu nào của quốc gia, trong khi tỷ trọng điện than trong cơ cấu năng lượng cả nước vẫn sẽ ở mức thấp như kế hoạch đề ra.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã cho dừng hoạt động một số nhà máy điện than xuống cấp và thay thế bằng những cơ sở mới hiện đại, giảm lượng tiêu thụ than và cung cấp nguồn điện cần thiết để hỗ trợ nước này trong giai đoạn chuyển tiếp sang năng lượng tái tạo.
Nhưng thực tế lại không như vậy. Tính riêng trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã bổ sung thêm 11,4 GW công suất nhiệt điện than, nhiều hơn một nửa năng lực điện than được bổ sung trên thế giới.
Tổ chức Kiểm soát Năng lượng Toàn cầu (GEM) cũng cho biết khoảng 250 GW công suất nhiệt điện than đang được Bắc Kinh khai thác. Con số này thậm chí đủ để cung cấp điện cho Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
“Có rất nhiều lợi ích phía sau ngành công nghiệp điện than. Và thực tế là chính quyền Bắc Kinh đang mất kiểm soát về tốc độ phát triển của ngành, trong khi vẫn tuyên bố theo đuổi mục tiêu năng lượng sạch”, Christine Shearer, giám đốc phụ trách lĩnh vực điện than tại GEM, cho biết.
Cơ quan quản lý năng lượng Trung Quốc, chính quyền tỉnh Cam Túc và tập đoàn Huaneng đều từ chối phản hồi.
Vị thế của nhiên liệu hóa thạch
Dự án nhiệt điện Zhengning bị dừng lại từ năm 2016. Tại thời điểm đó, số lượng nhà máy nhiệt điện than tại Trung Quốc giảm mạnh trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch suy yếu. Tới tháng 7 năm nay, tập đoàn Huaneng trình lên bản báo cáo tái khởi động lại dự án này, dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động trong 3 năm tới.
Theo truyền thông Trung Quốc, khu vực nằm trong dự án chính đã được tiến hành giải phóng mặt bằng và cắm cờ hiệu của Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc, đơn vị chịu trách nhiệm thi công dự án điện than này.
Cảnh núi non Cam Túc theo đó cũng được thay bằng những mỏ than mới. Xung quanh đó, hệ thống đường xá và khu nhà ở cho công nhân cũng được dựng lên. Còn nông dân địa phương – vốn chuyên trồng cây trái – lại phải gói gém đồ đạc để chuyển đến một nơi ở mới.
“Nơi đây từng là vùng đất nông nghiệp, chủ yếu trồng táo”, Wang Chunxiang, nông dân sở hữu vườn cây ăn quả gần công trường, cho biết. “Giờ thì người ta chuyển đi hết rồi”, ông nói.
Trước đó, chính quyền Bắc Kinh cam kết sẽ chấm dứt việc khai thác và sử dụng than đá trong các ngành công nghiệp nhằm giảm hiệu ứng nhà kính và khói bụi ô nhiễm.
Nước này đã cắt giảm tỷ trọng than trong tổng cơ cấu năng lượng quốc gia, từ khoảng 70% trong năm 2010 xuống còn 57,7% tính tới cuối năm ngoái. Bắc Kinh đặt mục tiêu tiếp tục hạ tỷ trọng than xuống còn 53% vào năm 2025 bằng cách đẩy mạnh các ngành năng lượng tái tạo.
Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, tính tới cuối năm 2019, tổng lượng điện được sản xuất từ các nhà máy điện than của Trung Quốc vào khoảng 1.000 GW.
Trong khi đó, tổng lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đã lên tới 759 GW. Con số này cao gấp 3 lần tổng lượng điện của nước Mỹ và bằng tổng của điện của cả Mỹ và châu Âu cộng lại.
Vào tháng 6, cơ quan hoạch định kế hoạch nhà nước Trung Quốc từng lên tiếng chỉ trích chính quyền các địa phương vì cho phép xây dựng quá nhiều nhà máy điện than mới. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận được lợi ích kinh tế từ những dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, các biện pháp răn đe của chính quyền trung ương vẫn chỉ ở mức “cưỡi ngựa xem hoa”.
“Bắc Kinh luôn e ngại nếu việc đó có thể làm chậm tốc độ phát triển kinh tế. Đó là lý do chính quyền trung ương không dám mạnh tay đối với những địa phương sản xuất quá nhiều điện”, chuyên gia của GEM nhận định.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, Bắc Kinh đang theo đuổi mục tiêu tự chủ và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng nước ngoài. Những dự án lớn được tiếp sức bởi nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa cũng được xem là một nhân tố quan trọng.
Theo đuổi nguồn năng lượng sạch
Theo ông Xie Zhenhua, đặc phái viên kỳ cựu của Trung Quốc về vấn đề khí hậu, nhu cầu sử dụng than đá tại Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2013, và giờ đây, Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn trong kế hoạch 5 năm tới để giảm thiểu lượng tiêu thụ nguồn năng lượng này.
Cùng lúc đó, báo cáo do một viện nghiên cứu Trung Quốc công bố hồi đầu năm cho thấy, nước này phải chấm dứt việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than thì mới có thể đáp ứng các mục tiêu dài hạn về khí hậu và kinh tế.
Bất chấp tuyên bố bất ngờ của ông Tập Cận Bình và mục tiêu của Bắc Kinh, hàng loạt dự án nhiệt than như nhà máy Zhengning đang dần hoạt động trở lại. Theo các chuyên gia, lượng khí thải CO2 của nước này vẫn chưa đạt đỉnh, ít nhất là cho đến năm 2030.
Theo một phân tích của tổ chức CarbonBrief về các kế hoạch kích thích kinh tế sau dịch Covid-19 tại 8 tỉnh (khu vực chiếm một nửa tổng lượng khí thải CO2 tại Trung Quốc), chi tiêu của các địa phương này cho những dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn ở mức cao, gấp 3 lần so với khoản đầu tư mới vào năng lượng tái tạo.
Ở một diễn biến khác, các chuyên gia cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố để Mỹ rời khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã làm giảm áp lực đối với Bắc Kinh. Ngoài ra, việc Trung Quốc đạt được các mục tiêu về khí hậu có thể dẫn đến tình trạng tự mãn trong một số cơ quan nhà nước.
Thực tế, Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu giảm khí thải carbon trong giai đoạn 2005-2020, nhanh trước 3 năm so với kế hoạch. Một số học giả còn tuyên bố rằng lượng khí thải carbon có thể đạt đỉnh trước năm 2030, ngay cả khi không áp dụng thêm các biện pháp mới.
Về phía Bắc Kinh, giới chức trách đang tăng cường kiểm soát số lượng các nhà máy nhiệt than mới, đồng thời thiết lập sơ đồ cảnh báo đèn màu đỏ cho các vùng có công suất điện than quá lớn, đèn màu xanh cho những khu vực có thể xây dựng thêm dự án.
An ninh năng lượng, bài toán thừa điện
Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) hồi tháng 6 cho biết Trung Quốc cần tập trung vào an ninh năng lượng để đối phó với những diễn biến bất thường trong và ngoài nước. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng muốn quá trình tăng trưởng kinh tế diễn ra mượt mà, tránh tình trạng thiếu điện gây tê liệt trên diện rộng từng xảy ra ở nước này vào năm 2011.
Theo một nhân viên giấu tên đến từ tập đoàn năng lượng hàng đầu Trung Quốc, nhiều người nói rằng nước này cần xây dựng thêm nhiều dự án nhiệt điện hơn để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, mâu thuẫn lại xảy ra ngay tại các công xưởng điện ở Cam Túc. Trong khi các công nhân tại nhà máy điện than Zhengning đang gấp rút cho quá trình khởi công xây dựng thì các nhà máy nhiệt than khác trong tỉnh vẫn cửa đóng then cài.
Ở ngoại ô thủ phủ tỉnh Lan Châu, 2 tháp làm mát khổng lồ của nhà máy điện Liên Thành cũng đóng cửa từ năm 2018. Hầu hết công nhân đều rời đi, chỉ còn lại vài nhân viên bảo vệ thay nhau trông giữ máy móc.
Đối diện cổng nhà máy, một dãy cửa hàng sửa chữa điện đều trong tình trạng đóng cửa. Đây là minh chứng cho sự thất bại của chiến dịch tái cơ cấu điện toàn tỉnh và thoái vốn tài sản thua lỗ của các công ty điện lực nhà nước.
Nhà máy Liancheng – thuộc sở hữu Tập đoàn điện lực Datang – từng gặp rắc rối lớn vào 5 năm trước khi khách hàng lớn của nhà máy, doanh nghiệp luyện nhôm thuộc sở hữu nhôm quốc doanh lớn nhất Trung Quốc Chinalco, ngừng hoạt động. Hồ sơ tòa án cho biết Liancheng đã phải chịu khoản nợ lên tới 1 tỷ NDT khi phá sản vào năm 2019.
Mặt khác, trong khi việc đóng cửa nhà máy có ảnh hưởng ít nhiều tới kinh tế địa phương, thì ít nhất bầu không khí đã trở nên trong sạch hơn.
Li Wanzhen, một cư dân địa phương, cho biết: “Khu vực này từng lâm vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng vì khí thải nhà máy, cộng thêm khói bụi từ các phương tiện qua lại”.
Việc phá sản không phải là mối bận tâm lớn bởi hầu hết đơn vị xây dựng và vận hành nhà máy đều là doanh nghiệp nhà nước, nhờ vậy các khoản nợ có thể được xóa bỏ.
Tuy nhiên, ông He Jiankun, cố vấn chính phủ kiêm giám đốc Viện Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững tại Đại học Thanh Hoa, cho rằng chính quyền Bắc Kinh có thể đối mặt với bài toán dư thừa điện nếu tiếp tục bơm tiền cho các dự án mới.