Các tổ chức môi trường chính là lá chắn cuối cùng trong nỗ lực bảo tồn sự phát triển bền vững của thiên nhiên.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), chúng ta đang trong giai đoạn Đại tuyệt chủng lần thứ 6 khi hơn 2/3 cá thể các loài hoang dã toàn cầu có thể biến mất vào năm 2020. Mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi năm đều có các loài lần lượt ra đi do thất bại trong tiến hóa hoặc chọn lọc tự nhiên. Vậy bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài để làm gì? Điều gì xảy ra nếu một hay hai loài tuyệt chủng?
“Khi nghe nói về một loài mới, phản ứng đầu tiên của nhiều người Việt là “nó ăn có ngon không?”. Câu trả lời sẽ quyết định số phận của loài đấy!”, ông Trần Lê Trà, Chủ nhiệm Dự án GIZ – Bio tại Việt Nam, chia sẻ. Cảnh báo này càng đáng lo ngại khi Việt Nam liên tục có tên trong nhóm các quốc gia đặt bẫy thú nhiều nhất thế giới.
Hiện nay, tốc độ biến mất của động vật hoang dã cao gấp 1.000 lần tốc độ tuyệt chủng cơ sở: cứ mỗi giờ có 3 loài biến mất; mỗi ngày có 150 loài bị mất đi; mỗi năm 18.000-55.000 loài động vật và thực vật bị tuyệt chủng. Tính tới tháng 9. 2020, số lượng loài đang bị đe dọa của Việt Nam được đánh giá theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) là 771 loài, tăng gấp đôi so với 30 năm trước.
Báo cáo mới nhất của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Chống ma túy và tội phạm (UNODC) năm 2020 cũng cho thấy, số lượng vi phạm động vật hoang dã đã gia tăng đáng kể từ 164.000 vụ ở 120 quốc gia trong giai đoạn 2005-2014, lên 180.000 vụ bị bắt mới từ 149 quốc gia chỉ trong vòng 4 năm gần đây và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đóng 3 vai trò quan trọng trong đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép gồm nguồn cung cấp, nơi tiêu thụ và nơi trung chuyển. “Dân số Việt Nam chỉ bằng 1/15 Trung Quốc nhưng lại là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới. Càng bảo vệ động vật hoang dã, chúng tôi càng cảm thấy tuyệt vọng”, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), chia sẻ.
Luật pháp Việt Nam đã có rất nhiều bản án nghiêm khắc đối với các tội phạm động vật hoang dã, với mức án lên tới 15 năm tù giam. Và liên tục trong 2 năm qua, các nhà môi trường và báo chí cũng đã góp phần khởi tố thành công 8 vụ buôn bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tội phạm lọt lưới pháp luật khiến các chế tài này vẫn chưa đủ sức răn đe.Trong lúc bảo vệ động vật hoang dã dưới góc nhìn đa dạng sinh học truyền thống đang rơi vào bế tắc thì đại dịch COVID-19 xuất hiện, mở ra góc nhìn mới về sự an nguy của con người trong mối quan hệ với thế giới tự nhiên. Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe, khuyến cáo: “Việt Nam luôn được xác định là một trong những điểm nóng toàn cầu có nguy cơ cao xuất hiện các tác nhân gây các bệnh truyền nhiễm mới nổi lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã”.
Ngay sau khi Trung Quốc ban lệnh cấm “khẩn cấp và toàn diện” việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã vào ngày 24.2.2020, 14 tổ chức môi trường ở Việt Nam đã đồng loạt gửi thư ngỏ đến Thủ tướng kêu gọi đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã để góp phần ngăn chặn đại dịch. Đáp lại mong ước chính đáng, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn chỉ đạo số 1744/VPCP-KGVX yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ ban ngành liên quan soạn thảo một chỉ thị về nghiêm cấm, mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã.
Sau đó 3 tháng, 4 tổ chức xã hội bao gồm CHANGE, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD) lại tiếp tục ký tên vào Thư kiến nghị về việc “Đảm bảo thực hiện tốt hoạt động ban hành Chỉ thị về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã”.
Trước sự quyết liệt của các tổ chức, ngày 23.7.2020, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã. Chỉ thị này không những góp phần chặn đứng nhiều đường dây buôn lậu động vật hoang dã xuyên quốc gia, mà trên hết đem lại niềm tin cho sự kiên trì của những người bảo vệ thiên nhiên. Phía sau những người bảo tồn hoang dã là cả một nhân loại tiến bộ biết trân trọng sự bảo tồn của thiên nhiên trong mối quan hệ bền vững với sự sống còn của loài người.