Sáng ngày 8/10 tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức tọa đàm “Gây nuôi động vật hoang dã trong bối cảnh lan truyền dịch bệnh và áp lực bảo tồn loài”. Chương trình do Liên minh Châu Âu tài trợ trong khuôn khổ dự án “Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã” do Tổ chức WCS điều phối và PanNature là đối tác thực hiện dự án tại Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của 51 đại biểu và các chuyên gia khách mời trong lĩnh vực y tế dự phòng, bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD), cùng đại diện của các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận tại Việt Nam.
Hiện nay, mặc dù việc gây nuôi thương mại ĐVHD khá phổ biến và được pháp luật ủng hộ, song một số nghiên cứu, khảo sát của các tổ chức bảo tồn lại cho thấy nhân nuôi ĐVHD không những không có đóng góp đáng kể cho bảo tồn mà còn có thể tác động tiêu cực đến quần thể ĐVHD ngoài tự nhiên. Những hiện tượng nhập lậu ĐVHD vào các cơ sở chăn nuôi hay việc “rửa” ĐVHD bằng cách bán giấy phép vận chuyển từ các trang trại chăn nuôi để lưu thông ĐVHD săn bắt từ tự nhiên còn khá phổ biến, cho thấy hoạt động chăn nuôi không những không khiến áp lực săn bắt ĐVHD ngoài tự nhiên suy giảm mà còn là “vỏ bọc” cho hoạt động này và đẩy các loài hoang dã vào nguy hiểm.
Bên cạnh đó, tình trạng chăn nuôi không đảm bảo điều kiện kỹ thuật và điều kiện chăm sóc thú y kém cũng tiềm ẩn những nguy cơ lớn về dịch bệnh trong bối cảnh khoa học đã chứng minh các đại dịch như SARS, tả lợn châu Phi (ASF), Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) và gần đây nhất là COVID-19 có nguồn gốc từ ĐVHD.
Trong bối cảnh các chính sách và thực thi quản lý hoạt động gây nuôi ĐVHD tại Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, việc gây nuôi ĐVHD có phải là giải pháp để cùng lúc đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn hay không cần được nhìn nhận lại kỹ càng.
Xem livestream tọa đàm tại đây.
Một số hình ảnh tại tọa đàm: