Ít nhất hơn 14 triệu tấn nhựa có kích cỡ dưới 5mm đang nằm dưới đáy các đại dương trên thế giới, theo ước tính từ nghiên cứu mới của tổ chức khoa học CSIRO thuộc chính phủ Australia công bố trên chuyên san Frontiers in Marine Science.
Phân tích trầm tích đại dương ở độ sâu 3 km cho thấy lượng nhựa lớn gấp hơn 30 lần số đang nổi trên mặt biển.
CSIRO thu thập và phân tích 51 mẫu lõi nền dại dương tại 6 điểm ngoài khơi cách duyên hải phía nam Australia khoảng 300 km, thuộc phạm vi vịnh Đại Úc.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sau khi loại bỏ nước, mỗi gram trầm tích chứa trung bình 1,26 mảnh vi nhựa, chủ yếu có đường kính dưới 5 mm và được tạo thành từ các mảnh nhựa lớn hơn vỡ ra.
TS. Denise Hardesty, nhà nghiên cứu chính và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết việc tìm ra vi nhựa ở vị trí xa xôi và ở độ sâu như vậy cho thấy nhựa có ở mọi nơi trên thế giới.
“Có nghĩa là nhựa đi qua được cột nước (thuật ngữ dùng trong hải dương học, tính từ bề mặt biển tới lớp trầm tích đáy, chủ yếu được sử dụng cho các nghiên cứu về môi trường) – đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ về tác động từ thói quen tiêu dùng đối với những nơi được coi là nguyên sơ nhất. Chúng ta phải đảm bảo đừng biến đại dương thành hố rác. Bằng chứng này càng cho thấy chúng ta phải chấm dứt hành động thải nhựa ngay từ trứng nước”.
TS. Hardesty không rõ các mảnh nhựa tồn tại ở đó bao lâu và vỡ ra từ đồ vật gì nhưng khi soi chiếu dưới kính hiển vi thì biết đó là sản phẩm hàng tiêu dùng.
Các nhà nghiên cứu ngoại suy số lượng nhựa tìm được trong mẫu và từ nghiên cứu của các tổ chức khác để đi đến kết luận có khoảng 14,4 triệu tấn vi nhựa tồn tại ở các đáy đại dương. Con số này có vẻ lớn nhưng TS. Hardesty cho hay chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng lượng nhựa đổ vào địa dương hàng năm.
Tháng 9/2020, một ngiên cứu ước tính năm 2016 có khoảng 19 – 23 triệu tấn nhựa đổ vào các dòng sông và đại dương. Một nghiên cứu trước đó trên tạp chí Science ước tính mỗi năm có tới 8,5 m triệu tấn nhựa bị thải ra đại dương. Một nghiên cứu khác ước lượng có 250.000 nghìn tấn nhựa đang trôi nổi trên mặt biển.
Nhóm nghiên cứu thuộc CSIRO ước tính trọng lượng vi nhựa ở đáy đại dương gấp 34 – 57 lần lượng nhựa trên mặt biển.
TS. Hardesty thừa nhận các ước tính đều không hoàn hảo nhưng dựa trên những thông tin tốt nhất có được: “Các ước tính đều rất hữu ích cho mọi người hiểu dược quy mô vấn đề chúng ta đang nói tới”.
TS. Julia Reisser, nhà sinh vật học hải dương thuộc Viện Hải dương Đại học Tây Úc và nghiên cứu về ô nhiễm nhựa 15 năm nay chỉ rõ: “Cộng đồng khoa học hải dương đều ám ảnh với phát hiện ra nhựa ở đáy đại dương”.
Cần nhiều phương pháp khoa học để hiểu được tác động tiềm tàng của nhựa tới các loài hoang dã ở đại dương. Những mảnh nhựa lớn có thể vướng vào động vật trong khi rất nhiều loài, từ tảo đến cá voi sẽ tiêu thụ những mảnh nhỏ.
Reisser cho rằng nghiên cứu mới là đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chống rác nhựa toàn cầu, hy vọng rằng dữ liệu về biển sâu của Australia sẽ được sử dụng trong những nghiên cứu tương lai dể đưa ra bức tranh chính xác hơn: “Rồi sau này nhựa đại dương sẽ đổ về biển sâu nhưng chúng ta còn lâu mới đạt mức cân bằng. Nếu sau một nghìn năm nữa thì chúng ta sẽ thấy nhựa từ từ phân mảnh và bị loại khỏi các vùng duyên hải”.
Tháng 9, lãnh đạo hơn 70 nước ký cam kết tình nguyện đảo ngược xu hướng mất đa dạng sinh học, trong đó có mục tiêu chấm dứt rác thải nhựa ra đại dương vào năm 2050.
Các nước lớn không ký cam kết là Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Australia.
Thế Anh (Theo Guardian)