Do lũ lụt, từ Trung Quốc, Ấn Độ tới một số nước khác ở Châu Á, hàng triệu người phải đối mặt với nguy cơ khó khăn kinh tế trong những năm tới.
“Lũ lụt Châu Á: Tại sao biến đổi khí hậu tác động tới khu vực nặng nề nhất”, tờ Nikkei đặt câu hỏi trong bài viết đăng tải ngày 6.10. Theo hãng tin Nhật Bản, dự báo từ lâu về khu vực đông dân nhất trên thế giới cuối cùng đã trở thành sự thật.
“Có sự nhất quán trong các mô hình rằng biến đổi khí hậu ở Châu Á sẽ dẫn đến lũ lụt nhiều hơn, thành những mùa mưa dữ dội hơn” – Homero Paltan Lopez, chuyên gia về nước và nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh, cho biết.
Sự thay đổi như vậy được cho là sẽ ảnh hưởng đến mùa mưa của một khu vực rộng lớn, khiến cho lượng mưa trong mùa mưa tập trung hơn còn mùa khô kéo dài hơn. Đây cũng chính là những gì đang xảy ra và hiện tượng thời tiết này đang cướp đi nhiều sinh mạng.
Bangladesh – quốc gia đồng bằng – đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi lũ lụt trong năm nay. Có thời điểm, 1/3 đất nước Nam Á này bị ngập lụt.
“Trong những năm gần đây, tần suất lũ lụt bất thường ở nước này đã tăng lên đáng kể, gây thiệt hại nghiêm trọng về sinh mạng và tài sản” – Kaiser Rejve, Giám đốc tổ chức nhân đạo CARE Bangladesh, cho biết.
Ông nói thêm: “Những trận lũ lụt gần đây cho thấy sự gia tăng tần suất và cường độ của nguy cơ lũ lụt và xói mòn sông ở Bangladesh trong những năm tới”.
Tuy nhiên, đây là hiện tượng toàn khu vực. Kể từ tháng 6, lượng mưa cực lớn gây ra lũ lụt lớn ở nhiều nơi thuộc Đông, Đông Nam và Nam Á.
Lũ lụt ở Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nepal, Pakistan, Mông Cổ và Ấn Độ. Hàng triệu người phải sơ tán và hàng trăm người thiệt mạng.
Tác động kinh tế ở Châu Á lớn hơn bất kỳ nơi nào khác, Nikkei chỉ ra. Một báo cáo của McKinsey Global Institute hồi tháng 8 đã nêu bật rủi ro. “Đến năm 2050, 75% dung lượng vốn toàn cầu có nguy cơ ngập lụt sẽ ở Châu Á. Tiểu lục địa Ấn Độ và các vùng lãnh thổ ven biển Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất” – Ruslan Fakhrutdinov, thành viên có kết nối với McKinsey Global Institute, cho biết.
Nghiên cứu trên tạp chí khoa học Nature Communications năm 2019 ước tính, 300 triệu người sống ở những nơi có khả năng xảy ra lũ lụt do khí hậu gây ra vào năm 2050, với hầu hết những người dễ bị tổn thương ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.
Một nghiên cứu vào tháng 7 trên tạp chí Scientific Reports chỉ ra, trong khi nguy cơ lũ lụt đang gia tăng trên toàn cầu, mật độ dân số và sự trội hơn của các cộng đồng ven biển ở Châu Á có nghĩa là phần lớn dân số có nguy cơ cao trên toàn cầu trong 80 năm tới sẽ ở lục địa này.
“Khoa học ngày càng trở nên chính xác hơn. Một điều mà chúng tôi biết chắc là những nơi ẩm ướt sẽ ẩm ướt hơn, và những nơi khô hạn sẽ khô hơn” – Abhas K. Jha, thành viên chương trình Quản lý Rủi ro Thiên tai và Đô thị của Ngân hàng Thế giới tại Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết.
Chỉ riêng ở Trung Quốc, 2,7 triệu người đã phải sơ tán và ước tính có khoảng 63 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vào năm 2020. Tổng số 53 con sông hiện ở hoặc gần mực nước cao nhất trong lịch sử trong khi các con đập ở lưu vực sông Dương Tử ở mốc gần hoặc cao hơn sức chứa, gây ra lũ lụt tồi tệ nhất ở phía nam Trung Quốc kể từ 1961.
Trong khi đó, ở Nam Á, 17 triệu người đã bị ảnh hưởng trong năm nay và tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn do lượng mưa lớn được dự báo cho nhiều khu vực của Châu Á trong mùa này.