Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn, nghiêm trọng gây bức xúc dư luận địa phương. Ông Kpă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ra công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng cần sớm hoàn tất kết luận điều tra các vụ án trọng điểm về phá rừng, để sớm đưa ra xét xử nhằm giáo dục, răn đe.
Rừng tự nhiên liên tục giảm mạnh
Gia Lai là một trong những tỉnh ở khu vực Tây Nguyên có diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm mạnh, nguyên nhân chính là do tình trạng phá rừng. Cụ thể năm 2017, toàn tỉnh giảm hơn 18.000ha rừng, năm 2018 giảm hơn 83.700ha, năm 2019 giảm hơn 94.600ha và 6 tháng đầu năm nay, diện tích rừng Gia Lai tiếp tục giảm gần 56.000ha.
Tình trạng phá rừng, vi phạm lâm luật diễn biến phức tạp, đặc biệt là các địa bàn như huyện Ia Grai, Kbang, Chư Păh, Kông Chro… Các khu vực rừng ở những huyện này còn tồn tại nhiều nhóm gỗ quý, có giá trị cao, bị lâm tặc dòm ngó và lẻn vào đốn hạ cây rừng.
Thống kê của Công an tỉnh Gia Lai cho thấy, từ năm 2017 đến tháng 6.2020, lực lượng đã phát hiện, bắt giữ gần 2.300 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đã xử lý hơn 2.200 vụ. Cơ quan Công an đã khởi tố, xử lý hình sự hơn 120 vụ, xử lý hành chính hơn 2.000 vụ, với số tiền xử phạt hơn 36 tỉ đồng nộp vào ngân sách nhà nước. Lực lượng chức năng cũng đã thu giữ tang vật với hơn 4.100m3 gỗ các loại, 137 xe ôtô, máy kéo, 516 xe máy.
Các điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, tập trung tại các khu vực biên giới, thậm chí lâm tặc còn ngang nhiên xách cưa vào đốn hạ cây quý ở rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên… Khi bị phát hiện thì chúng sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ bằng vũ khí để tẩu thoát, phi tang vật chứng.
Kiểm lâm, Công an phải bảo vệ nguồn tin báo
Riêng tại địa bàn huyện Kông Chro, trong thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra tình trạng phá rừng. Vào tháng 3 năm 2020, lâm tặc đã phá rừng ở Tiểu khu 805 do UBND xã Sró quản lý, với khối lượng gỗ thu được gần 41,5m3, tổng giá trị thiệt hại là gần 350 triệu đồng. Vụ án thứ hai xảy ra vào tháng 6.2020 ở xã Đắk Song, tại Tiểu khu 845 rừng phòng hộ đầu nguồn với khối lượng gỗ bị khai thác trái phép hơn 12m3 gỗ. Giá trị thiệt hại là hơn 92 triệu đồng. Vụ án thứ 3 xảy ra hồi tháng 9 năm nay do báo chí phát hiện với khối lượng gỗ hàng chục m3, công an đang điều tra.
Mặc dù Công an huyện Kông Chro thống kê từ đầu năm đến nay, đã phát hiện và bắt giữ 19 vụ vận chuyển, tàng trữ gỗ trái phép. Tuy nhiên, số lượng gỗ thu được rất ít, chỉ hơn 22m3 gỗ xẻ, quy ra gỗ tròn là hơn 35m3. Nguyên nhân là do công tác điều tra đối tượng còn gặp nhiều khó khăn, khó tìm ra chứng cứ?!
Trước tình hình đó, ông Kpă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – cho biết, đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các đơn vị chủ rừng, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Lực lượng chức năng phải tuần tra thường xuyên để ngăn chặn, phát hiện các hành vi xâm phạm đến tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, Kiểm lâm tỉnh phải quản lý chặt chẽ nguồn gốc lâm sản tại các cơ sở mua bán, kinh doanh, chế biến lâm sản, đặc biệt là việc mua bán các loại cây thân gỗ để ngăn chặn hành vi “quay vòng hồ sơ” gian lận xuất xứ, hàng hóa.
Cơ quan thực thi pháp luật cần duy trì có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo về vi phạm lâm nghiệp và cũng cần phải có chính sách động viên, bảo vệ đối với người báo tin, xử lý nghiêm đối với công chức, viên chức, người đứng đầu có biểu hiện tiêu cực, tiếp tay các đối tượng vi phạm. UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra, xử lý các vụ án hình sự về lâm nghiệp đã khởi tố trong thời gian qua, để sớm đưa ra xét xử nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa.
Để phục vụ việc vận chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng, các nhóm lâm tặc thường dùng xe độ, chế, hết niên hạn sử dụng. Ngoài ngăn chặn các đường mòn, lối mở, công an phải tăng cường xử lý, thu giữ các loại xe này. Ngoài ra, người đứng đầu các đơn vị, chủ rừng chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng vi phạm luật Lâm nghiệp trên lâm phần được giao quản lý.