Việc khai thác, vận chuyển đá bazan trái phép làm hư hỏng đường giao thông nông thôn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.
Theo phản ánh của một số người dân địa phương về việc khai thác, vận chuyển đá trái phép làm hư hỏng đường giao thông nông thôn tại xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, phóng viên TTXVN tại Đắk Nông đã xâm nhập thực tế và chứng kiến cảnh khai thác đá bazan dạng cột trái phép tại đây.
Xin phép không được, vẫn tiến hành khai thác đá
Hiện trường khai thác nằm cuối thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh, cách đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Đức Mạnh), cách khu dân cư chỉ khoảng 500m và ngay cạnh nương rẫy trồng các loại cây công nghiệp của người dân.
Tại đây, các đối tượng dùng máy đục đá chuyên dụng để khai thác đá bazan dạng cột nguyên khối. Hàng trăm cột đá nằm ngổn ngang, đường kính phổ biến khoảng 50-70cm, chiều dài từ 1-3m.
Ông Hoàng Trọng Sang, Trưởng thôn Đức Phúc, xác nhận tình trạng khai thác đá trái phép tại điểm mỏ cuối thôn Đức Phúc diễn ra khoảng gần 2 tháng.
Trước đó, khoảng cuối tháng 7/2020, có một số người nhận là chủ điểm mỏ đến liên hệ với thôn để khai thác đá. Để vận chuyển đá ra Quốc lộ 14, các đối tượng phải sử dụng con đường độc đạo của thôn. Nhiều người dân trong thôn phản đối vì xe chở đá với tải trọng lớn, hoạt động liên tục sẽ làm cho con đường nhanh xuống cấp, hư hỏng.
“Các đối tượng đề nghị sử dụng xe ben 30 tấn nhưng người dân không đồng ý. Tôi có tổ chức họp dân và hầu hết bà con không đồng tình. Sau đó tôi đã thông báo lại nội dung này,” ông Sang khẳng định.
Cũng theo ông Sang, sau đó các đối tượng vẫn tiến hành khai thác đá và sử dụng xe công nông để vận chuyển đá ra 2 bãi tập kết ven Quốc lộ 14. Một số hộ dân gắn biển cảnh báo, yêu cầu không được chở đá trên con đường đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, tuy nhiên đã bị phớt lờ.
Theo người dân, để chuẩn bị cho việc khai thác đá, các đối tượng đã đổ nhiều xe đá loại 1x2cm để cải tạo đoạn đường đất khoảng 500m kết nối với con đường bê tông dân sinh nhằm phục vụ việc vận chuyển đá ra điểm tập kết tại Quốc lộ 14.
Diễn ra rầm rộ, kéo dài
Việc khai thác đá tại mỏ đá thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh diễn ra rầm rộ vào ban ngày. Khu vực khai thác bên cạnh đường dân sinh, thường xuyên có người qua lại, cách Quốc lộ 14 khoảng 800m, cách Ủy ban Nhân dân xã Đức Mạnh chỉ khoảng 2,5km và hoạt động diễn ra khá lâu nhưng chính quyền địa phương không biết.
Trao đổi với phóng viên TTXVN sáng 5/10, ông Thái Quang Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Mạnh, cho biết bản thân ông và Ủy ban Nhân dân xã Đức Mạnh chưa nhận được thông tin về việc khai thác đá trái phép tại điểm mỏ tại thôn Đức Phúc.
Ông Thái Quang Cường khẳng định hiện tại trên địa bàn xã Đức Mạnh không có đơn vị nào được cấp phép khai thác đá.
Ông đã giao việc quản lý lĩnh vực này cho một Phó Chủ tịch xã phụ trách, tuy nhiên vị này đang nghỉ phép và khẳng định sẽ cho kiểm tra, thông tin cho phóng viên sau.
Sau khi nhận được thông tin về mỏ đá bị khai thác trái phép, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Mạnh mới triển khai các các bộ phận chức năng đi xác minh.
Đến khoảng 11 giờ ngày 5/10, lực lượng chức năng của xã Đức Mạnh đã phối hợp với Công an huyện Đắk Mil đã tiến hành lập biên bản về tình trạng khai thác đá bazan trái phép tại thôn Đức Phúc.
Tại hiện trường, khoảng 2.000m2 đất đã bị cày xới, đào sâu để khai thác đá bazan dạng cột. Các đối tượng đã tạm dừng khai thác. Tại khu vực chỉ còn một xe máy đào bánh xích (không gắn biển kiểm soát), một búa thủy lực để khai thác đá và đập đá, cùng hàng trăm khối đá bị khai thác trái phép nằm ngổn ngang và một số thùng phuy đựng dầu.
Theo những người dân trong khu vực, các đối tượng mới tạm dừng khai thác 1-2 ngày gần đây và chưa có dấu hiệu dừng hẳn.
Thời gian qua, có khoảng vài trăm tấn đá bazan dạng cột đã được vận chuyển ra khỏi khu vực này.
Các đối tượng khai thác, tập kết và trung chuyển ra Quốc lộ 14 vào ban ngày, sau đó sử dụng xe cẩu để bốc đá lên xe tải lớn đưa đi tiêu thụ vào buổi tối.
Thời gian gần đây, nhiều xưởng cắt xẻ, chế biến đá bazan dạng cột được cấp phép tại nhiều địa phương tỉnh Đắk Nông, nhất là các huyện Đắk Mil, Đắk R’Lấp…
Theo quy định, giá đá bazan dạng cột cao gấp hơn 10 lần so với đá xây dựng thông thường. Hành vi khai thác, đưa vào cắt xẻ, chế biến đá bazan trái phép đang gây thất thu ngân sách nhà nước cũng như kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.