Sáng qua (5/10), tại Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Lâm Đồng và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình đã tiến hành bàn giao đàn bò tót lai đang nuôi dưỡng tại thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, Ninh Thuận với sự chứng kiến của 2 Sở KH-CN tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận cùng một số sở ngành liên quan.
Hai đơn vị và ngành chức năng tiến hành đánh giá cụ thể thực trạng sức khỏe của từng con bò và cơ sở vật chất, chuồng trại hiện đang sử dụng để chăn nuôi và thống nhất bàn giao. Theo đó, đàn bò tót lai 11 con thì có 4 con (gồm 2 con đực và 2 con cái) thể trạng gầy nhiều, lòi xương khum, xương sườn, da nhăn, 2 con cái F1 gầy yếu, suy dinh dưỡng, nghi nhiễm ký sinh trùng, chỉ có 4 con bò lai F1 (gồm 3 con đực và 1 con cái) thể trạng bình thường và 1 con bò lai F2 đang mang thai thể trạng ổn định.
Hai bên đã xác định rõ trách nhiệm, trong đó Trung tâm Ứng dụng KH-CN tỉnh Lâm Đồng cam kết đã hoàn tất các trách nhiệm về mặt tài chính kể từ ngày 5/10/2020 trở về trước. Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản được bàn giao; tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn gen bò tót lai quý hiếm.
Tại buổi tiếp nhận, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét hỗ trợ kịp thời kinh phí để xây dựng chuồng trại, di chuyển đàn bò về nơi ở mới. Sở KH-CN Ninh Thuận sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh Ninh Thuận để bàn giao tài sản (hệ thống chuồng trại 400m2) thuộc tài sản hình thành từ nguồn vốn sự nghiệp KH-CN tỉnh Ninh Thuận và cấp kinh phí để chăm sóc đàn bò đến khi dự án “Bảo tồn, sử dụng quỹ gien bò tót lai F1 giai đoạn 2021-2025” được triển khai.
Đại diện Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết: Tiếp nhận đàn bò tót lai chỉ mới là công việc khởi đầu. Trước mắt đơn vị sẽ tập trung để phục hồi sức khỏe đàn bò, sau đó sẽ xây mới chuồng trại và di chuyển đàn bò về Vườn ươm để tiện chăm sóc. Về lâu dài, đơn vị sẽ xây dựng khuôn viên, chuồng trại cho đàn bò với quy mô từ 5-10 ha để đàn bò được sống theo kiểu bán tự nhiên, tiếp tục phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học.
Trao đổi với báo chí trước đó, Bộ KH-CN cho biết sau khi báo chí phản ánh về đàn bò tót lai gầy trơ xương ở Ninh Thuận, Bộ đã chỉ đạo Sở KH-CN Lâm Đồng và Sở KH-CN Ninh Thuận phối hợp khôi phục sức khỏe cho đàn bò; đồng thời yêu cầu 2 sở trên đẩy nhanh việc giao đàn bò tót lai từ Trung tâm ứng dụng KH-CN Lâm Đồng sang Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) để nuôi dưỡng.
Bộ KH-CN cho hay sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Ninh Thuận bảo tồn và định hướng phát triển đàn bò tót lai.
Tỉnh Ninh Thuận đã đưa nhóm bò này vào đề án bảo tồn nguồn gien bò quý hiếm giai đoạn 2021 – 2025 để nghiên cứu khoa học.
Bò tót (Bos gaurus) hoang dã là loài có nguy cơ tuyệt chủng đã được đưa vào sách đỏ IUCN từ năm 1986. Chúng mang nhiều đặc tính quý như tầm vóc lớn, khả năng chống chịu tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt…, được coi là một nguồn gen quý hiếm cần được bảo tồn và có thể phát triển để phục vụ nhân giống.
Theo Bộ KH-CN, kể từ khi con bò tót đực xuất hiện giao phối với đàn bò nhà tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận và sinh ra đàn bò lai F1 năm 2009, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa đã nhận thấy cần phải nghiên cứu đánh giá tiềm năng di truyền của con lai F1.
Vì vậy, giai đoạn 2012-2015, đề tài liên tỉnh “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (Bos gaurus) và bò nhà (Bos taurus) tại vùng rừng giáp ranh tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng” đã được triển khai với 10 con bò lai F1.
Năm 2015, ba tỉnh trên thống nhất đề xuất Bộ KH-CN cho phép thực hiện nhiệm vụ “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng – Khánh Hoà”.
Căn cứ vào ý nghĩa khoa học trong công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen động vật quý hiếm, Bộ đã phê duyệt triển khai nhiệm vụ theo đúng các quy định. Ngày 15/10/2015, Bộ đã ký Hợp đồng thực hiện đề tài (thời gian thực hiện 2015-2019) và giao Trung tâm Ứng dụng KH-CN tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan chủ trì, PGS.TS Lê Xuân Thám làm Chủ nhiệm.
Gần bốn năm thực hiện, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng, còn lại ngân sách đối ứng của Lâm Đồng và Ninh Thuận), đề tài đã triển khai với các nội dung nghiên cứu như: duy trì các cá thể bò lai, đánh giá khả năng sinh sản, khả năng chống chịu, sức sinh trưởng, thay đổi phương thức nuôi cùng bò nhà, phân tích bộ nhiễm sắc thể, chọn lọc cá thể bò đực mang gen của bò tót có khả năng sinh sản, chọn bò cái phù hợp để sinh sản…
Đối với nội dung nghiên cứu về sinh sản, dự án đã tạo ra được 3 con bò lai quý hiếm thế hệ F2 mang gen bò tót. Bộ KH-CN cho biết, đây là một kết quả quan trọng, đem đến cơ hội có thể phát triển, nhân đàn bò lai mang nguồn gen bò tót quý hiếm tại Việt Nam.
Sau khi dự án cấp nhà nước kết thúc, đàn bò được giao cho Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng quản lý, chăm sóc. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, đàn bò tót chỉ được ăn rơm khô suốt hơn một năm qua, đã dẫn đến suy kiệt, ốm trơ xương. Sau khi báo chí phản ánh, các cơ quan liên quan đã vào cuộc khẩn cấp, mua bắp và cỏ tươi “cấp cứu” cho đàn bò.