Các siêu thị, nhà sản xuất thực phẩm và chuỗi nhà hàng tại Anh đang chịu áp lực từ các nhà môi trường khi họ đẩy mạnh việc ngăn chặn việc chặt phá rừng nhiệt đới để trồng ca cao, dầu cọ và đậu nành.
Giữa bối cảnh ngành công nghiệp thực phẩm đang đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng vì vai trò của lĩnh vực này trong việc góp phần thúc đẩy nạn phá rừng ở các nước như Brazil và Indonesia, Anh đang xây dựng một đạo luật để buộc ngành công nghiệp thực phẩm siết chặt hoạt động giám sát đối với các chuỗi cung ứng của lĩnh vực này.
Trong một bức thư ngỏ được công bố mới đây, khoảng 20 doanh nghiệp lớn đã hoan nghênh kế hoạch trên như một “bước tiến” lớn, song cho rằng vẫn chưa đủ để ngăn chặn nạn phá rừng, đồng thời khuyến khích chính phủ hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn nạn này.
Các doanh nghiệp nói trên bao gồm chuỗi siêu thị Tesco, Marks & Spencer, Morrison’s và Sainsbury’s, các nhà sản xuất thực phẩm Unilever, Nestle và Greencore Group, McDonald’s Corp …
Đạo luật trên của Chính phủ Anh sẽ đưa ra các chế tài đối với các công ty bị phát hiện có liên quan tới việc phá rừng vốn đã vấp phải sự phản đối từ các tổ chức bảo vệ môi trường.
Theo đạo luật được đề xuất, các doanh nghiệp lớn sẽ phải báo cáo về nguồn cung của các loại nông sản nhiệt đới mà họ sử dụng. Các công ty cũng sẽ bị cấm sử dụng các sản phẩm được khai thác bất hợp pháp tại quốc gia xuất xứ.
Tuy nhiên, các siêu thị và công ty thực phẩm tham gia ký vào lá thư trên cho rằng đạo luật mới được đề xuất có một “lỗ hổng” lớn là nông dân ở các nước đang phát triển thường có thể chặt phá rừng để trồng các loại cây xuất khẩu mà không vi phạm bất kỳ luật nào.
Cyril Kormos, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Heritage có trụ sở tại Berkeley, California (Mỹ), cho biết cần phải điều chỉnh toàn diện các quy tắc quản lý rừng trên toàn cầu để ngăn chặn tình trạng “biến mất” dần các khu rừng già, nơi hấp thụ phần lớn khí carbon giúp làm chậm biến đổi khí hậu.