Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hiện nay đang trở thành xu hướng chủ đạo trong việc kết nối giữa sự phát triển bền vững và giá trị cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm tạo ra một giá trị chung cho doanh nghiệp và cho toàn xã hội.
Theo Liz Maw, thành viên hội đồng quản trị của Trung tâm Môi trường thế giới cho rằng, sự phát triển bền vững không những quan trọng cho cộng đồng, cho cả hành tinh, mà còn rất quan trọng cho sự thành công của các doanh nghiệp. Khi nền kinh tế ngày một phát triển, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng phức tạp và gay gắt thì các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, xây dựng uy tín, nâng cao danh tiếng, từ đó mang lại nhiều lợi ích kinh doanh cho doanh nghiệp.
Trách nhiệm xã hội và hoạt động của doanh nghiệp
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về trách nhiệm xã hội (CSR). Mỗi tổ chức, công ty, chính phủ nhìn nhận CSR dưới góc độ và quan điểm riêng, phụ thuộc vào điều kiện, đặc điểm và trình độ phát triển của mình. Carroll (1991) cho rằng, CSR liên quan đến việc hoạt động của một DN để có lợi ích kinh tế, chấp hành pháp luật, đạo đức và hỗ trợ xã hội. Chịu trách nhiệm xã hội có nghĩa là đạt được lợi nhuận và tuân theo pháp luật, là điều kiện ưu tiên hàng đầu khi nói về đạo đức của doanh nghiệp (DN) và mức độ mà DN hỗ trợ cho xã hội.
Hội đồng Kinh doanh Thế giới vì sự phát triển bền vững cho rằng, CSR của DN là cam kết của DN đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm… theo cách có lợi cho cả DN cũng như phát triển chung của xã hội.
Từ khi xuất hiện khái niệm CSR đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu khác nhau. Trong đó, nghiên cứu về mối quan hệ giữa CSR và kết quả kinh doanh (KQKD) của DN thu hút nhiều học giả. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại khác nhau, chia thành 4 nhóm như sau:
(i) Nhóm thứ nhất, bao gồm các nhà nghiên cứu: Carroll (1979); Klasen và cộng sự (1996); A. Waddock và B. Graves (1998); Russo và Fouts (1997); Simpson và Kohers (2002); Lai và cộng sự (2010); Saeidi và cộng sự (2015)… đều tin và cung cấp bằng chứng về mối quan hệ tích cực giữa CSR và KQKD.
(ii) Nhóm thứ hai, kết quả nghiên cứu cho thấy, thực hành CSR sẽ làm tăng chi phí và giảm kết quả kinh doanh của DN. Đại biểu cho nhóm này gồm các nhà nghiên cứu: Home Friedman (1970, 2007); Handerson (2001); Reich (2008);…
(iii) Nhóm thứ ba, các nhà nghiên cứu thuộc nhóm này cho rằng, có quá nhiều nhân tố gây nhiễu mối quan hệ giữa CSR và KQKD và do đó bằng chứng về mối quan hệ này rất mờ nhạt. Đại diện cho nhóm này có: Ullman (1985); Mc Williams và Siegel (2000); Girerd Potin và cộng sự (2013); Peng và Yang (2014);…
(iv) Nhóm thứ tư, các nhà nghiên cứu thuộc nhóm này cho rằng, không có mối quan hệ nào giữa CSR và KQKD. Đại diện cho nhóm này có: O’Neill và cộng sự (1989); Kenneth L. Kraft và cộng sự (1990).
Nhìn chung nhiều công trình nghiên cứu trước đây chỉ ra lợi ích lâu dài của DN thu được khi thực hiện tốt CSR bao gồm: Giảm chi phí, tăng doanh thu, nâng cao giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, thu hút và giữ chân lao động giỏi, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới.
Nhận thức chung về kinh nghiệm xã hội ở Việt Nam và kết quả nghiên cứu
Dữ liệu thứ cấp cho thấy, CSR được giới thiệu vào nước ta thông qua hoạt động của các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Các công ty này thường xây dựng các bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực văn hóa kinh doanh có tính phổ quát để có thể áp dụng trên nhiều địa bàn, thị trường khác nhau. Do đó, những nội dung CSR được các công ty nước ngoài thực hiện có bài bản và đạt được hiệu quả cao.
Đối với DN trong nước, các công ty xuất khẩu có lẽ là đối tượng đầu tiên tiếp cận với CSR, đây là một trong những yêu cầu đầu tiên mà các đối tác nước ngoài đặt ra khi liên kết với các DN. Muốn ký kết hợp đồng dài hạn với những DN nước ngoài thì các công ty xuất khẩu phải thực hiện nghiêm túc các nội dung của CSR.
Tuy nhiên, còn một số trở ngại trong việc thực hiện CSR tại Việt Nam như: Khái niệm CSR vẫn còn mới đối với rất nhiều DN trong cộng đồng DN Việt Nam, trong khi đó các bên liên quan chưa có kế hoạch dài hạn và chiến lược khi triển khai các chương trình CSR. Năng lực quản lý và kiến thức chuyên môn trong thực hiện CSR ở DN còn hạn chế…
Để làm rõ vấn đề trên, tác giả tiến hành nghiên cứu việc thực hiện CSR của các DN tại vùng Đông Nam Bộ.
Dựa vào lý thuyết CSR, tác giả thấy rằng, mô hình các bên liên quan của Cannon (1994), giả thuyết nghiên cứu như sau: H1 – Trách nhiệm của DN đối với người cấp tín dụng (CSR1) có quan hệ dương với KQKD (TRC); H2 – Trách nhiệm của DN đối với nhà cung cấp (CSR2) có quan hệ dương với KQKD (TRC); H3 – Trách nhiệm của DN đối với nhà nước (CSR3) có quan hệ dương với KQKD (TRC); H4 – Trách nhiệm của DN đối với khách hàng (CSR4) có quan hệ dương với KQKD (TRC); H5 – Trách nhiệm của DN đối với người lao động (CSR5) có quan hệ dương với KQKD (TRC); H6 – Trách nhiệm của DN đối với cộng đồng (CSR6) có quan hệ dương với KQKD (TRC); H7 – Trách nhiệm của DN đối với môi trường (CSR7) có quan hệ dương với KQKD (TRC).
Mô hình nghiên cứu: TRC = β0 + β1*CSR1 + β2*CSR2 + β3*CSR3 + β4*CSR4 + β5*CSR5 + β6*CSR6 + β7*CSR7 + ε
Trong đó: TRC là Kết quả kinh doanh (biến phụ thuộc), CSRi là TNXH của DN (các biến độc lập, i = 1 – 7), β0 là tung độ gốc, βi là các trọng số hồi qui (i = 1 – 7), ε là phần dư.
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ các nhà quản trị tại các DN FDI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cuối năm 2018 thông qua bảng khảo sát, bao gồm: thành viên ban giám đốc, kế toán trưởng, các trưởng phó phòng…
Các biến quan sát được đo lường bằng thang đo Likert. Biến CSR đối với người cấp tín dụng (CSR1) có 5 biến quan sát; biến CSR2, CSR3, CSR4 và CSR6 có 4 biến quan sát; biến CSR5 có 6 biến quan sát; biến CSR đối với môi trường (CSR7) có 6 biến quan sát.
Xử lý dữ liệu bằng phần mềm SPSS
Kết quả phân tích cho thấy, phần lớn những người tham gia khảo sát là những nhà quản trị cấp trung trở lên và có thâm niên công tác tại đơn vị từ 1,5 năm trở lên. Do vậy, kết quả khảo sát phản ánh đánh giá của các nhà quản trị DN về mối quan hệ giữa CSR và KQKD của DN.
Với dữ liệu 180 mẫu quan sát đạt yêu cầu, giá trị trung bình thuộc các nhóm biến độc lập dao động từ 3,1 đến 4,45. Điều này cho thấy, phần lớn những người tham gia khảo sát đồng ý hoặc không có ý kiến đối với các biến quan sát, điều này cũng chứng tỏ rằng nhận thức về lợi ích của việc thực hiện CSR tại các DN còn hạn chế và khác nhau.
Nghiên cứu sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha để kiểm tra sự chặt chẽ và tương quan giữa các biến quan sát. Theo đó, tất cả các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha đạt từ 0,6 trở lên.
Sau khi đánh giá độ tin cậy của thang đo, nghiên cứu tiến hành phân tích nhân tố khám phá nhằm đánh giá trị hội tụ và giá trị phân biệt của các nhân tố thành phần. Kết quả phân tích cho thấy, có 7 thành phần thuộc nhóm biến độc lập đạt các tiêu chí thống kê.
Để xác định mối quan hệ giữa KQKD với các yếu tố cấu thành CSR, nghiên cứu sử dụng phân tích hồi qui bội. Kết quả phân tích cho thấy, các yếu tố cấu thành CSR đều có mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa đối với KQKD của DN.
Hàm hồi quy mô tả mối quan hệ giữa CSR và TRC theo phương trình hồi qui chuẩn hóa như sau: TRC = 0,250*CSR1 + 0,187*CSR2 + 0,215*CSR3 + 0,198*CSR4 + 0,165*CSR5 + 0,182*CSR6 + 0,115*CSR7
Kết quả kiểm định mô hình: (1) tất cả các chỉ số phóng đại phương sai (VIF) của các biến độc lập đều < 10 nên không có hiện tượng đa cộng tuyến; (2) kiểm định ANOVA với mức ý nghĩa sg. = 0,0000 cho thấy, mô hình hồi quy tuyến tính bội được xây dựng phù hợp với tập dữ liệu; (3) Hệ số R2 = 0,752 cho biết các biến độc lập giải thích được 75,2% biến thiên của biến phụ thuộc.
Phân tích nhân tố khẳng định (CFA) các thang đo
Để kiểm định xem mô hình đo lường trên có đạt yêu cầu và các thang đo có đạt được các yêu cầu của một thang đo tốt, nghiên cứu sử dụng phân tích nhân tố khẳng định (CFA). Kiểm định Chi bình phương của mô hình tới hạn có giá trị Pvalue = 0,001 <0,05. Tuy nhiên, các chỉ tiêu Chisquare/df = 1,400 (<2), các giá trị TLI = 0,858 và CFI = 0,918 đều lớn hơn 0,9, RMSEA = 0,072 <0,08. Như vậy, các chỉ tiêu đều đạt yêu cầu nên mô hình phù hợp với dữ liệu thị trường (Thọ & Trang, 2008). Do sai số của các biến quan sát có tương quan với nhau nên chỉ có thang đo bảo vệ môi trường, thu hút và kết quả kinh doanh đạt được tính đơn hướng. Các trọng số chưa chuẩn hóa đều có ý nghĩa thống kê (Pvalue <0,05) và các trọng số đã chuẩn hóa đều > 0,5 nên thang đo đạt được giá trị hội tụ (Gerbring & Anderson, 1988). Bên cạnh đó, kết quả kiểm định cho thấy các giá trị Pvalue đều <0.05 nên hệ số tương quan của từng cặp khái niệm < 1 ở độ tin cậy 95%, do đó các khái niệm đạt giá trị phân biệt.
Kết luận và khuyến nghị
Nghiên cứu này với mục tiêu xem xét hiệu quả thực hiện CSR của DN trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ trong thời gian qua và đề ra giải pháp khắc phục những khó khăn còn tồn tại đã cho thấy nhiều kết quả đáng chú ý.
Từ kết quả phân tích dữ liệu và kiểm định mô hình cho thấy, các trọng số hồi quyđều có giá trị lớn hơn 0, có nghĩa là: Nhận thức của ban lãnh đạo DN về thực hành CSR sẽ góp phần nâng cao kết quả kinh doanh của DN.
Mặc dù đã có nhận thức tích cực về thực hành CSR sẽ mang lại lợi ích cho DN; mức độ đánh giá về mối quan hệ giữa CSR và KQKD còn thấp biểu hiện ở giá trị trung bình các biến quan sát.
Các trọng số hồi quy chuẩn hóa cho thấy, mức độ đánh giá về mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành CSR và KQKD khác nhau; theo đó, CSR1 có tác động mạnh nhất đến KQKD, kế đến là CSR3… Như vậy, trong những năm qua, DN trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ chủ yếu quan tâm đến lợi ích trước mắt gắn với nhà cung cấp, khách hàng, chưa có sự quan tâm đúng mức đến người lao động, cộng đồng và môi trường. Kết quả này phù hợp với nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành được tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2018.
Thực hiện CSR tại DN nói chung không chỉ là tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật nhà nước mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của lãnh đạo các DN. Vì vậy, để tăng cường CSR của các DN trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ với các bên liên quan, thiết nghĩ cơ quan nhà nước các cấp cần phải thực hiện những vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phù hợp đối với các DN trong việc thực hiện các qui định của pháp luật về lao động, môi trường, thuế; cần có biện pháp chế tài đối với những trường hợp cố tình vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ hai, các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các DN đóng trên địa bàn thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.
Kết quả nghiên cứu thu được phụ thuộc vào đánh giá của chính các nhà quản trị về mối quan hệ giữa CSR và KQKD. Đây có thể là những hạn chế của nghiên cứu này. Hơn nữa, nghiên cứu mới tập trung trả lời cho câu hỏi có hay không mối quan hệ giữa CSR và KQKD của DN, mà chưa nghiên cứu nhân tố nào tác động đến CSR.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thảo Chi (2008), “Doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng như thế nào”, Sài Gòn giải phóng;
2. Cung, Nguyễn Đình, & Đức, Lưu Minh (2009). Nghiên cứu của các Viện, các tổ chức nghiên cứu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: một số vấn đề lý luận và yêu cầu đổi mới trong quản lý nhà nước đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam, Hà Nội;
3. Carroll, A. B. (1991). The Pyramid of Corporate Social Responsibiiity: Toward the Morai Management of Organizational takeholders. Business Horizons;
4. Carroll, A. B. (1991). The Pyramid of Corporate Social Responsibiiity: Toward the Morai Management of Organizational Stakeholders. Business Horizons;
5. Hair. J, Black, W.Babin, B., and Anderson, R.(2010). Multivariate data analysis (7th ed:Prentice Hall, Inc. Upper Saddle River, NJ, USA.