Đại học Cambridge, Vương quốc Anh vừa tuyên bố sẽ đặt mục tiêu “thoái vốn khỏi tất cả các khoản đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào nhiên liệu hóa thạch” vào năm 2030.
Trong đó, trường đại học này cho biết, Quỹ Tài trợ Đại học Cambridge (CUEF) trị giá 3,5 tỷ bảng Anh (tương đương 4,53 tỷ USD) cũng có ý định “tăng cường các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo khi thoái vốn khỏi các loại nhiên liệu hóa thạch”.
CUEF sẽ rút các khoản đầu tư với các nhà quản lý cổ phần công tập trung vào năng lượng truyền thống vào tháng 12 năm nay; phát triển các khoản đầu tư đáng kể vào năng lượng tái tạo vào năm 2025; và rút khỏi tất cả các lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Ngoài ra, quỹ sẽ tìm cách đạt được “lượng phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 trên toàn bộ danh mục đầu tư của mình vào năm 2038″.
Bà Tilly Franklin, người đứng đầu Văn phòng Đầu tư của Đại học Cambridge mô tả tình trạng biến đổi khí hậu, sự tàn phá sinh thái và mất đa dạng sinh học là “mối đe dọa hiện hữu khẩn cấp với những rủi ro nghiêm trọng đối với nhân loại và tất cả sự sống khác trên Trái đất”. “Văn phòng Đầu tư đối phó với những mối đe dọa này bằng cách theo đuổi một chiến lược nhằm hỗ trợ và khuyến khích quá trình chuyển đổi toàn cầu sang một nền kinh tế trung tính carbon”, bà Tilly Franklin nói thêm.
Trong một động thái khác có thể có ý nghĩa quan trọng trong những năm tới, Đại học Cambridge cho rằng, trong tương lai, tất cả các khoản tài trợ nghiên cứu và các khoản đóng góp khác sẽ được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo các nhà tài trợ có thể chứng minh sự tương thích với các mục tiêu của Đại học Cambridge về cắt giảm khí thải nhà kính trước khi bất kỳ khoản tài trợ nào được thông qua.
Đại học Cambridge là một trong những trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới. Với tuyên bố nói trên, Đại học Cambridge trở thành tổ chức nổi tiếng mới nhất công bố ý định thoái vốn khỏi các loại nhiên liệu hóa thạch.
Trước đó hồi tháng 4, Đại học Oxford ở Vương quốc Anh đã công bố kế hoạch “chính thức thoái vốn khỏi ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch”. Trường đại học này cho biết, họ cũng đã yêu cầu văn phòng tài trợ của mình “tham gia với các nhà quản lý quỹ để yêu cầu bằng chứng về các kế hoạch kinh doanh có mức carbon ròng bằng không trong danh mục đầu tư”.
Vào tháng 3, Första AP-fonden (AP1), một quỹ hưu trí lớn của Thụy Điển, nơi đang quản lý hàng tỷ tài sản khẳng định, họ sẽ “không đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch nữa”. Quỹ có trụ sở tại thủ đô Stockholm cũng giải thích rằng, việc hướng tới một nền kinh tế carbon thấp ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch thể hiện “một sự không chắc chắn đáng kể đối với các công ty tham gia vào những hoạt động than, dầu mỏ và khí tự nhiên”.
Trong một diễn biến khác, Đại học Edinburgh ở Vương quốc Anh cũng đã đưa ra kế hoạch thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch vào năm 2018; trong khi vào năm 2017, một liên minh gồm 40 tổ chức Công giáo đã công bố quyết định rút khỏi, hoặc ngăn chặn đầu tư trong tương lai vào nhiên liệu hóa thạch.