40% thực vật trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng

Theo báo cáo mới công bố của Vườn thực vật Hoàng gia Kew, 2/5 tổng số các loài thực vật trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng do thế giới tự nhiên bị phá hủy.

Cấy lúa ở Lalitpur, Nepal. 1/2 nhân loại phụ thuộc vào gạo, ngô và lúa mì. (Ảnh: Prabin Ranabhat/Sopa/Rex/Shutterstock)

Thực vật và nấm tạo ra nền móng sự sống trên trái đất nhưng giới khoa học hiện đang chạy đua với thời gian để tìm ra và xác định các loài trước khi chúng biến mất.

Những loài chưa được biết và nhiều loài đã được ghi nhận là “rương báu” chứa đầy lương thực, dược vật và sinh khối có thể giải quyết được nhiều thách thức khó khăn nhất của nhân loại, có tiềm năng chữa được cả những vi sinh gây ra virus corona và đại dịch khác.

Hơn 4.000 loài nấm và thực vật được phát hiện trong năm 2019. Đáng kể nhất là 6 loài tỏi ở châu Âu và Trung Quốc, 10 loài họ hàng với rau chân vịt ở California và 2 loài họ hàng với sắn hoang dã – thứ có thể trở thành cây trồng quan trọng cung cấp thức ăn cho 800 triệu người trong cuộc khủng hoảng khí hậu.

Cây thuốc mới có một loài cây nhím biển ở Texas, một loài ngải ở Tây Tạng có tác dụng chống sốt rét và 3 loài anh thảo.

“Chúng ta không thể sống sót nếu thiếu thực vật và nấm – sự sống phụ thuộc vào chúng – và đã đến lúc mở rương báu”, theo GS. Alexandre Antonelli, Giám đốc khoa học thuộc Vườn thực vật Hoàng gia Kew – tổ chức lĩnh xướng nghiên cứu với sự tham gia của 210 nhà khoa học thuộc 42 quốc gia này.

“Mỗi khi mất một loài là chúng ta mất đi một cơ hội cho nhân loại. Chúng ta đang thua trong cuộc chạy đua với thời gian vì các loài mất đi nhanh hơn tốc độ chúng ta tìm ra và định danh chúng”.

Mới đây, Liên hợp quốc tiết lộ các nước đã không đạt được mục tiêu nào để ngăn chặn mất mát đa dạng sinh học trong thập kỷ qua.

Các nhà nghiên cứu đánh giá dựa trên tỷ lệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng theo Sách Đỏ IUCN. Nhưng chỉ một phần nhỏ trong số 350.000 loài thực vật đã biết được đánh giá, vì thế giới khoa học sử dụng kỹ thuật thống kê để điều chỉnh những thiên lệch trong kho dữ liệu, chẳng hạn như thực trạng thiếu đi thực địa ở một số khu vực, đồng thời sử dụng trí tuệ nhân tạo để đánh giá nhưng khu vực chưa được biết tới nhiều.

“Chúng ta có cách tiếp cận AI chính xác tới 90%”, nhà nghiên cứu Eimear Nic Lughadha thuộc Vườn thực vật Hoàng gia Kew chia sẻ. “AI đủ tốt để khẳng định rằng có nhiều loài chưa được đánh giá nhưng thật ra đã bị đe dọa”.

Năm 2019, Nic Lughadha cho biết 571 loài đã biến mất tính từ năm 1750, dù con số thật sự có thể cao hơn nhiều.

Trồng sắn ở Nigeria. (Ảnh: Stefan Heunis/AFP/Getty)

Báo cáo tình trạng thực vật 2016 phát hiện 1/5 các loài thực vật bị đe dọa nhưng phân tích mới tiết lộ rằng nguy cơ thực sự cao hơn. Nguyên nhân chính là sinh cảnh hoang dã bị phá hủy để canh tác. Ngoài ra còn những nguyên nhân quan trọng khác là khai thác quá độ thực vật hoang dã, xây dựng, loài xâm lấn, ô nhiễm và khủng hoảng khí hậu.

Hàng tỷ người dùng thảo dược để trị bệnh nhưng báo cáo phát hiện có tới 723 loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có một loài hoa kèm đỏ ở Nam Mỹ vẫn được dùng để điều trị rối loạn tuần hoàn hiện đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên, và loài nắp ấm nhiệt đới vẫn được dùng chữa bệnh ngoài da.

“Chỉ 7% các loài thực vật [đã biết] được dùng làm thuốc, vì thế phần lớn các loài nấm và thực vật trên thế giới có tiềm năng là nguồn cho các loại thuốc mới”, theo nhà nghiên cứu Melanie-Jayne Howes thuộc Vườn thực vật Hoàng gia Kew. “Nên điều rất quan trọng là chúng ta nên bảo vệ đa dạng sinh học tốt hơn để chuẩn bị ứng phó với các thách thức với hành tinh và sức khỏe của chúng ta”.

GS. Monique Simmons, nghiên cứu về nấm và thực vật tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew nói rằng thiên nhiên là nơi quan trọng để tìm kiếm phương cách chữa trị cho virus corona và các loại bệnh có tiềm nawg bùng phát thành đại dịch: “Tôi dám chắc những phương thuốc chủ lực trong tương lai để chữa các loại bệnh này sẽ có nguồn gốc từ thực vật và nấm”.

Nghiên cứu của Vườn thực vật Hoàng gia Kew cũng nêu bật lên rằng con người sử dụng rất ít loài thực vật để làm lương thực khiến nguồn cung trở nên mong manh trước biến đổi khí hậu và bệnh dịch mới, nhất là khi dân số thế giới đạt mức 10 tỷ người vào năm 2050. 1/2 nhân loại phụ thuộc vào gạo, ngô và lúa mì, chỉ 15 loài là cây lương thực nhưng cung cấp tới 90% lượng calo.

“Tin vui là chúng ta có tới hơn 7.000 loài có thể sử dụng trong tương lai để đảm bảo cho hệ thống lương thực”, nhà nghiên cứu cao cấp Tiziana Ulian chia sẻ. Những loài này đều giàu dinh dưỡng, phát triển tốt, ít có nguy cơ tuyệt chủng và từng được người dân địa phương dùng làm thức ăn, nhưng chỉ 6% được trồng với quy mô khá lớn. Những loại lương thực giàu tiềm năng trong tương lai phải kể tới đậu morama (loại đậu chịu hạn và khi rang lên có vị như hạt điều rang) và một loại dứa thơm mọc ở Hawaii cho tới Philippines.

Khoa học gia cao cấp Stefano Padulosi thuộc Alliance of Biodiversity International chỉ rõ: “Hàng nghìn loài thực vật bị lãng quên là mệnh mạch cho hàng triệu người trên trái đất đang chịu hệ lụy từ biến đổi khí hậu chưa từng có, thiếu lương thực và [nghèo đói]. Nhiệm vụ của chúng ta là sử dụng nguồn tài nguyên này để đa dạng hóa hệ thống lương thực và kiên cường hơn trước những biến đổi”.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: