Ngày 1/10, tại trụ sở Bộ TN&MT, Cục Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) và đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng với BĐKH.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan thuộc Bộ TN&MT, đại diện các Bộ, ngành có liên quan cùng một số chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 (NAP) đã đề ra nhiệm vụ “Giám sát và đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH”, trong đó bao gồm việc ban hành các bộ tiêu chí về “Xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với BĐKH” và “Đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng BĐKH”. Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ soạn thảo bộ tiêu chí.
Dự thảo bộ tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu kỹ thuật của Tổ chức hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); bộ công cụ giám sát và báo cáo của PPCR-CFI; công cụ đánh giá khả năng chống chịu dựa vào cộng đồng của UNDP; sổ tay giám sát, đánh giá, phản hồi và học tập có sự tham gia đối với thích ứng dựa vào cộng đồng của CARE; khung giám sát thích ứng và đánh giá phát triển của Viện Môi trường và Phát triển quốc tế IIED.
Tổ soạn thảo cũng nghiên cứu bộ tiêu chí của một số nước như Kenya, Ma-rốc, Vương quốc Anh, Pháp, Nepal, Phi-lip-pin… để tham khảo và vận dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đã tham vấn với các nhà quản lý, chuyên gia cao cấp, các nhà khoa học có kinh nghiệm, các chuyên gia quốc tế, tổ chức xã hội…
Dự thảo bộ tiêu chí thành phần về xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với BĐKH được xây dựng trên quan điểm lựa chọn các dự án giảm thiểu hiệu quả nhất tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH. Đồng thời, việc thích ứng phải gắn với phát triển bền vững, tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại, hài hòa lợi ích, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, lựa chọn các dự án đúng thuộc lĩnh vực ưu tiên thích ứng BĐKH. Đồng thời, đề xuất dự án có nội dung đạt chất lượng tốt để xem xét, phê duyệt thực hiện. Bộ tiêu chí này tập trung vào dự án có tính đầu tư phục vụ nhiệm vụ thích ứng BĐKH trong thời gian tới.
Dự thảo bộ tiêu chí giám sát đánh giá hiệu quả hoạt động thích ứng với BĐKH đưa ra hai cách tiếp cận với khoảng 100 tiêu chí cụ thể. Cách tiếp cận từ trên xuống áp dụng để xây dựng Bộ tiêu chí cấp quốc gia và hiệu quả của các hành động thích ứng với tăng cường năng lực cấp tỉnh. Cách tiếp cận từ dưới lên áp dụng để xây dựng bộ tiêu chí cấp tỉnh/thành phố và hiệu quả của các hành động với việc đạt được mục tiêu thích ứng cấp quốc gia về giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, góp ý về cách tiếp cận, phương pháp luận và nội dung của hai bộ tiêu chí thành phần, cách xác định các tiêu chí và các bước thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, các nghiên cứu phục vụ xây dựng dự thảo bộ tiêu chí được thực hiện khá công phu và bài bản, có tham khảo kinh nghiệm trong nước và quốc tế.
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, bộ tiêu chí cần có lồng ghép các mô hình phân tích đánh giá rủi ro liên quan đến thiên tai. Từ đó có thêm cơ sở khoa học để đưa ra các trọng số cụ thể về rủi ro thiên tai, BĐKH ở các vùng. Việc xây dựng bộ tiêu chí cũng cần tính đến sử dụng các số liệu thống kê hiện có để tăng tính đồng nhất số liệu.
Một số chuyên gia đề xuất việc phân cấp các chỉ tiêu, tập trung vào các chỉ tiêu có trọng số rõ ràng, hạn chế việc đếm số lượng chính sách thực hiện. Làm sao để các tiêu chí định lượng tối đa nhất trong những vấn đề định tính. Với mỗi vùng miền, ngành, lĩnh vực, biến đổi khí hậu lại có những tác động khác nhau và các tiêu chí cần được xây dựng làm sao thể hiện được điều này.
Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT cho rằng, trong tiêu chí xác định vùng, Tổ soạn thảo cần làm rõ hơn nếu dự án thực hiện tại đảo thì thuộc vùng nào. Còn theo ông Đỗ Quốc Khánh, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, dự thảo đưa ra 2 dạng dự án để xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn là dự án phát triển kinh tế – xã hội thích ứng BĐKH và dự án thích ứng với BĐKH. Cần phải phân biệt rõ ràng hơn hai dạng này để tránh gây rối cho các cơ quan áp dụng.
Các đại biểu đều nhận định, đây là vấn đề khó bởi có thể thu thập đủ thông tin, dữ liệu để đáp ứng hết các tiêu chuẩn. Theo GS Trần Thục, bộ tiêu chí này là bộ khung và dựa vào đây, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tự xây dựng bộ tiêu chí riêng phù hợp, sẽ có hướng dẫn thực hiện ban hành kèm theo.
Theo ông Tăng Thế Cường, Tổ soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến tại hội thảo và tiếp tục hoàn thiện dự thảo bộ tiêu chí trong thời gian tới.