Tổ chức Blood Lion phối hợp cùng Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (World Animal Protection) đã triển khai chiến dịch toàn cầu mang tên “800 Voice for 800 Lions” (800 tiếng nói bảo vệ sư tử), nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động của cộng đồng trước tình trạng buôn bán xương sư tử từ Nam Phi tới khu vực Đông Nam Á.
Chiến dịch với mục tiêu truyền cảm hứng cho cộng đồng thông qua 800 tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, ảnh, sáng tác âm nhạc, thơ hoặc nghệ thuật biểu diễn nhằm lên tiếng bảo vệ sư tử. Con số 800 này đại diện cho hạn ngạch (quota) 800 bộ xương sư tử được cho phép xuất khẩu hợp pháp hàng năm vì mục đích thương mại từ Nam Phi tới khu vực Đông – Nam Á.
Những bộ xương sư tử này sau đó thường được sử dụng phục vụ cho nhu cầu bào chế các phương thuốc cổ truyền từ động vật hoang dã (ĐVHD), mặc dù chưa hề có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh lợi ích của chúng.
Sau hơn một tháng phát động, chiến dịch đã nhận được hơn 240 tác phẩm nghệ thuật từ nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều thể loại như tranh vẽ, thơ, phim ngắn…
Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm ấn tượng được các em nhỏ thực hiện và đăng tải trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram và Twitter kèm với hashtag #800Lions. Ban tổ chức cuộc thi mong đợi sẽ nhận được sự tham gia nhiệt tình và nhiều tác phẩm có ý nghĩa từ Việt Nam – một trong những thị trường nhập khẩu xương sư tử lớn.
Được biết, 800 tác phẩm sẽ được gửi tới Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm các nền kinh tế lớn), nhằm thúc đẩy chính phủ Nam Phi chấm dứt việc cấp hạn ngạch xuất khẩu xương và các bộ phận của các loài mèo lớn như sư tử.
Nam Phi là một trong số ít các quốc gia tại châu Phi cho phép hoạt động nuôi sinh sản sư tử và các loài mèo lớn vì mục đích thương mại. Từ năm 2008, gần 7.000 bộ xương sư tử với khối lượng lên tới 70 tấn đã được Nam Phi xuất khẩu sang các quốc gia châu Á, trong đó Việt Nam và Trung Quốc là hai thị trường nhập khẩu xương sư tử lớn nhất. Xương sư tử có thể được nhập hợp pháp vào Việt Nam nhưng sau đó lại được “phù phép” biến thành “cao hổ” để đưa đi tiêu thụ bất hợp pháp trên thị trường.
Năm 2017 và 2018, Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi đã đặt ra hạn ngạch xuất khẩu là 800 bộ xương sư tử/năm, đồng nghĩa với việc cứ mỗi ngày lại có hai cá thể sư tử bị giết hại để lấy xương phục vụ xuất khẩu.