Ngày 30/9, Phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc với chủ đề “Hành động khẩn cấp về đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững” được tổ chức tại New York, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị theo phương thức họp trực tuyến (bắt đầu vào lúc 21h – giờ Việt Nam).
Tại đây, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà có tham luận quan trọng, đưa ra những quan điểm của Việt Nam về Đa dạng sinh học trong thời điểm hiện nay.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay, đa dạng sinh học đang trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng do những hậu quả và hành động của con người, đặc biệt là từ:
Tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã gia tăng; Suy giảm diện tích rừng tự nhiên do cháy rừng và hoạt động khai thác gỗ; và hậu quả của sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu.
Những hoạt động kể trên với mục đích phát triển kinh tế xã hội đã tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học cả trên đất liền và đại dương ở phạm vi toàn cầu.
“Chúng ta thậm chí có thể thấy rõ ràng “lời nguyền của tự nhiên” từ nhiều quốc gia, trong đó có đất nước chúng tôi, một quốc gia với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đang phải hứng chịu hậu quả từ việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, và đây là minh chứng rõ ràng về mối quan hệ nhân quả giữa con người và thiên nhiên.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm với các đại biểu trên thế giới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra rằng, các thế hệ con cháu chúng ta sẽ chịu thiệt thòi, khó có cơ hội và thậm chí không còn cơ hội được hưởng các lợi ích quý báu cho cuộc sống từ dịch vụ do các hệ sinh thái phong phú mang lại.
Xây dựng một nền kinh tế xanh trên cơ sở đầu tư vào vốn tự nhiên để thay thế cho nên kinh tế hiện nay, chủ yếu dự vào khai thác và bóc lột tự nhiên. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi các quốc gia hãy cùng kết hợp sức mạnh, phối hợp hành động khẩn cấp, quyết liệt và thiết thực hơn nữa để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá này, đồng thời cũng là đáp ứng đòi hỏi chính đáng của các thế hệ mai sau, đồng thời đưa ra một số hành động cụ thể như:
Chuyển đổi tư duy từ mô hình phát triển kinh tế khai thác tự nhiên sang nên kinh tế dựa trên hệ sinh thái tự nhiên, cân bằng với tự nhiên.
Lồng ghép vấn đề đa dạng sinh học vào các dự án phát triển, đa dạng sinh học cần phải được coi là một phần quan trọng trong các giải pháp về kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời là thước đo những nỗ lực trong phát triển bền vững.
Thực thi các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn khẩn cấp tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa đại dương hiện nay.
Khuyến khích xây dựng và tích cực tham gia thực hiện các sáng kiến khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề, thách thức về môi trường, chú trọng thiết lập mỗi quan hệ một cách tôn trọng và hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
“Tôi chắc chắn rằng, đã đến lúc chúng ta bên cạnh việc sử dụng các công cụ chính sách và pháp luật thì cần phải coi bảo tồn đa dạng sinh học là một vấn đề đạo đức, trước hết ở cấp lãnh đạo cho đến tất cả mọi người dân.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Hội nghị Thượng đỉnh về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc với chủ đề “Hành động khẩn cấp về đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững” là một Hội nghị trong khuôn khổ Khoá 75 Đại hội đồng (ĐHĐ) Liên hợp quốc do Chủ tịch ĐHĐ tổ chức.
Mục đích của Hội nghị là nhằm khẳng định cam kết cải thiện mối quan hệ của con người với thiên nhiên; hướng giải quyết các nguyên nhân gây thay đổi đa dạng sinh học; nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm đa dạng sinh học trong các hoạt động phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị cũng nhằm nâng cao tham vọng đối với Khung đa dạng sinh học sau 2020 (dự kiến sẽ được đưa ra để thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các nước tham gia Công ước đa dạng sinh học tổ chức trong năm 2021).
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có trao đổi với tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam; tiến sĩ Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Phát triển Chương trình, WWF-Việt Nam. Hai bên cùng trao đổi nhằm cụ thể hoá và hoàn thành những chương trình hợp tác giữa hai bên về đa dạng sinh học và bảo vệ các loài thú quý hiếm. Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Đa dạng sinh học để Việt Nam có thể đáp ứng được với tiến trình hội nhập quốc tế và xu hướng phát triển của thế giới hiện nay.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và lãnh đạo WWF cũng thống nhất các quan điểm sẽ ưu tiên phát triển kinh tế nhưng không thể quên bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững.