Các nhà khoa học quốc tế vừa công bố kết quả nghiên cứu về bộ gene đặc thù của nhiều loài gia súc ở châu Phi để tìm ra nguyên nhân khiến chúng có khả năng chống chọi rất tốt với khí hậu khắc nghiệt.
Các nhà khoa học quốc tế vừa công bố kết quả nghiên cứu về bộ gene đặc thù của nhiều loài gia súc bản địa tại châu Phi, qua đó tìm ra nguyên nhân khiến chúng có khả năng chống chọi rất tốt với điều kiện sống khô hạn cùng thời tiết nắng nóng đặc trưng của lục địa này.
Theo kết quả công trình nghiên cứu được đăng tải trên số mới nhất của tạp chí khoa học về gene danh tiếng Nature Genetics, cho biết các nhà khoa học đã nghiên cứu chi tiết cấu trúc gene của 176 cá thể thuộc 16 loài gia súc bản địa.
Họ đã tìm ra những đặc điểm chung khiến chúng có khả năng chống chọi với nhiệt độ cao và khô hạn, cũng như khả năng đề kháng trước những mầm bệnh nguy hiểm.
Theo giáo sư Olivier Hanotte, đồng thời là nhà khoa học nổi tiếng tại Học viện Nghiên cứu gia súc quốc tế (ILRI) có trụ sở tại thủ đô Nairobi của Kenya, kết quả nghiên cứu trên có thể giúp các nhà khoa học lai tạo ra những giống gia súc mới vừa kế thừa khả năng chống chọi tốt với thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh của châu Phi, vừa mang những đặc tính của vật nuôi mang lại nguồn lợi kinh tế cao như cho nhiều thịt và sữa, tương tự các loài gia súc hiện đang được chăn thả tại các nước có nền nông nghiệp phát triển như khu vực Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ.
Theo kết quả nghiên cứu được phối hợp thực hiện giữa ILRI cùng các nhà khoa học quốc tế đến từ Anh, Thụy Điển, Scotland và Hàn Quốc, khả năng trên của các loài gia súc châu Phi bắt nguồn từ sự tiến hóa diễn ra trong hàng nghìn năm sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đặc trưng tại châu lục mà hơn 30% tổng diện tích là sa mạc và đất hoang hóa này.
Bên cạnh đó, giáo sư Hanotte cho biết cách đây khoảng 1.000 năm, một số loài gia súc đặc trưng của châu Á như loài bò Zebu đã di cư sang châu Phi, lai giống với loài bò Taurine bản địa tạo ra một giống bò mới có khả năng chống chịu tốt hơn với các loại hình khí hậu khắc nhiệt, cũng như trước các mầm bệnh nguy hiểm.
Đề cập đến ý nghĩa của công trình nghiên cứu, ông Ally Okeyo Mwai, một nhà khoa học nổi tiếng khác tại ILRI, cho rằng các phát hiện mới về cấu trúc gene của các loài gia súc bản địa sẽ giúp hoạch định ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi tại “Lục địa Đen,” nơi mà thành phần đạm động vật trong bữa ăn hằng ngày của người dân còn đang ở mức thấp hơn nhiều so với mức quân bình trên thế giới.
Ngoài ra, theo ông Mwai, một ngành chăn nuôi phát triển sẽ góp phần ngăn chặn nạn săn bắn động vật hoang dã để lấy thịt, một vấn nạn vẫn đang diễn ra hằng ngày tại châu Phi, qua đó giúp bảo tồn nhiều loài động vật hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), 80% diện tích đất nông nghiệp tại châu Phi được sử dụng vào mục đích chăn thả gia súc và nguồn thu từ các loài động vật này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu nhập của nông dân tại lục địa 1,3 tỷ dân này.
Ngoài mục đích kinh tế, gia súc tại châu Phi còn được xem như món tài sản lớn nhất trong gia đình, được dùng làm của hồi môn trong hôn lễ hay vật hiến tế trong các lễ hội tôn giáo.