Trung Quốc tiếp tục là cặp quan hệ quan trọng nhất, ảnh hưởng toàn diện, tác động đa chiều và có ý nghĩa quyết định đối với xu thế an ninh, quân sự, kinh tế, chính trị và trật tự thế giới trong tương lai, nhất là tại châu Á – Thái Bình Dương. Sự định hình và vận động của cấu trúc an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương tới đây phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ này.
Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Cấu trúc an ninh mới tại châu Á – Thái Bình Dương
Ngày 8-1-2019, Ngân hàng Standard Chartered dự báo đến năm 2030, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ lần lượt vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất và nhì thế giới, Mỹ sẽ xuống vị trí thứ ba. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục tăng cường đầu tư để nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng.
Về sức mạnh quân sự, nếu chỉ so sánh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì Trung Quốc cũng chiếm ưu thế hơn Mỹ. Theo nhà sử học Afred McCoy, đến năm 2030, Trung Quốc không chỉ vượt Mỹ về kinh tế mà còn cả về quân sự và thay thế vị trí số một của Mỹ ở châu Á một cách hòa bình với chiến lược “lát cắt salami”.
Theo học giả Roger Cliff, chuyên gia phân tích các vấn đề chính trị của RAND, trong 10 năm tới, mức độ hiện đại về quân sự của Trung Quốc sẽ tương đương với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Trung Quốc sẽ theo sát Mỹ về sức mạnh quân sự.
Riêng ở Đông Á, Trung Quốc đang thành công trong việc thay thế Mỹ trở thành quốc gia chi phối, lãnh đạo khu vực. Trả lời phỏng vấn của Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc gia của Mỹ, học giả này cho rằng: “Trung Quốc có thể đạt được vị thế cường quốc quân sự thống trị tại khu vực là bằng cách làm cho Mỹ giảm các cam kết an ninh ở đây qua việc từ bỏ các bảo đảm an ninh của mình cho một số quốc gia hoặc rút lực lượng quân sự khỏi khu vực”.
Xét trên góc độ toàn cầu, trong vòng một thập niên tới, Mỹ vẫn giữ vị trí mạnh nhất, vượt trội hơn mọi đối thủ khác, nhất là về quân sự, trình độ khoa học – công nghệ, mạng lưới đồng minh và cả sức hấp dẫn của “giá trị Mỹ”. Tuy nhiên, vị thế của Mỹ không chắc chắn, và những điều chỉnh của chính quyền Trump và các chính quyền tiếp theo không dễ ngăn cản được sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia phân tích của Tổ chức Dự báo Tình báo toàn cầu (Stratfor), từ nay đến năm 2030, về tổng thể Mỹ vẫn có ưu thế nhất định và Trung Quốc sẽ chưa thể đuổi kịp Mỹ về năng lực quân sự tổng hợp.
Bên cạnh Trung Quốc và Mỹ, ảnh hưởng của các cường quốc khác trong khu vực như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia cũng sẽ tăng lên, tác động đến sự định hình và vận động của cấu trúc an ninh khu vực. Xu thế chuyển dịch trọng tâm quyền lực toàn cầu từ Tây sang Đông đã kéo theo sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn theo hướng tăng cường mức độ ảnh hưởng và sự hiện diện ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong số các cường quốc khu vực, đáng chú ý là vai trò của Nhật Bản và Ấn Độ. Cho đến năm 2030, quan tâm chiến lược của Nga khó thoát hẳn ra khỏi không gian sinh tồn của mình và với thực lực hiện tại, Nga còn bị tác động nhiều bởi yếu tố Trung Quốc và chính sách tiếp tục theo hướng liên kết với Trung Quốc ngăn chặn Mỹ tại khu vực. Trong khi đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng về an ninh tại khu vực; Ấn Độ triển khai thực chất hơn lợi ích của mình tại Đông Nam Á trên cả khía cạnh an ninh lẫn kinh tế. Cả hai quốc gia này đều có xung đột lợi ích với Trung Quốc nên sẽ tăng cường hợp tác với nhau và với Mỹ để tăng cường khả năng ngăn chặn Trung Quốc. Điều này sẽ tác động đến xu hướng liên kết, tập hợp lực lượng trong một cấu trúc an ninh mới tại châu Á – Thái Bình Dương.
Tương lai của ASEAN và các cơ chế do ASEAN làm trung tâm
ASEAN tiếp tục nắm giữ vị thế chiến lược đặc thù. Các cơ chế hợp tác của ASEAN sẽ tiếp tục là “sân chơi” của các nước lớn/trung tâm quyền lực để xử lý những vấn đề an ninh khu vực. ASEAN tiếp tục là một nhân tố không thể thiếu trong chính sách của nước lớn trong và ngoài khu vực.
Bản thân các nước thành viên ASEAN cũng nhận thức rõ lợi ích to lớn trong việc duy trì, củng cố vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc an ninh khu vực, từ đó đã thống nhất được các mục tiêu đến năm 2025 với định hướng xây dựng một tổ chức có mức độ liên kết sâu rộng, giữ vai trò trung tâm tại khu vực; một cộng đồng vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân và mang đến những lợi ích thiết thực cho họ.
Tại hai văn kiện quan trọng của ASEAN năm 2018 là Tuyên bố Chủ tịch (ngày 28-3-2018) và Thông cáo chung Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 (ngày 2-8-2018), các nước ASEAN đã bước đầu đạt được đồng thuận về một số điểm cơ bản của tầm nhìn về cấu trúc khu vực, bao gồm tính mở, minh bạch, bao trùm, tôn trọng luật pháp và lấy ASEAN làm trung tâm.
Tuyên bố Chủ tịch còn có định hướng về việc xây dựng cấu trúc khu vực theo các cơ chế do ASEAN dẫn dắt bao gồm ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+. Đến Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok (Thái Lan, tháng 6-2019), ASEAN đã thông qua Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AIOP) phù hợp với cách tiếp cận an ninh toàn diện của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc của khu vực bao gồm cởi mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ cũng như khẳng định vai trò của các quy tắc và cơ chế hiện hành của khu vực.
Mặc dù chỉ là văn kiện hướng dẫn, không phải tài liệu có tính ràng buộc cao nhưng AIOP là tài liệu có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt mà còn là một biểu hiện khẳng định sự quyết đoán về chính trị và ngoại giao của ASEAN, cho thấy ASEAN có lập trường riêng của mình đối với các chiến lược lớn tại khu vực. ASEAN sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh nội tại.
Tuyên bố tầm nhìn của các nhà lãnh đạo về sự phát triển bền vững được ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 34 thống nhất thúc đẩy một ASEAN phát triển bền vững, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, một ASEAN không rào cản (seamless ASEAN) thông qua tăng cường kết nối, kết nối tiểu vùng, triển khai Kế hoạch tổng thể và kết nối ASEAN (MPAC) 2025, cơ chế một cửa ASEAN (ASW), sáng kiến mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN); thúc đẩy nền kinh tế và một ASEAN số hóa.
Hiện một nửa số Chính phủ thành viên ASEAN bao gồm Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia và Brunei đang trở thành những nhà tài trợ ngay tại khu vực; Thái Lan đã khôi phục lại Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady – Chao Phraya – Mekong bằng cách đưa ra một kế hoạch tổng thể mới kèm theo quỹ đầu tư mới cho kết cấu hạ tầng và kết nối; tạo cơ hội để nước này và các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trực tiếp định hình hợp tác phát triển trong khu vực trên nền tảng sức mạnh của các thành viên. Việc các nước lớn tập trung ưu tiên vào khu vực cũng là nguyên nhân khách quan giúp thúc đẩy vai trò trung tâm của tổ chức này trong cấu trúc an ninh khu vực.
Tác động rõ rệt nhất là với các chính sách hướng vào khu vực, các nước lớn sẽ có nhu cầu thúc đẩy hợp tác với ASEAN, đồng thời xu hướng gia tăng cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau giữa các cường quốc cũng tạo ra không gian lớn hơn để ASEAN phát huy vai trò trung gian, điều hòa lợi ích xung đột giữa các bên. Theo Quỹ châu Á, chưa bao giờ các sáng kiến mới ở Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ như hiện tại với vai trò ngày càng rõ của các nước lớn. Chỉ tính riêng khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông đã có hàng chục đề án phát triển với sự can dự sâu sắc của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, tạo cho ASEAN những cơ hội hợp tác, phát triển mới.
Tuy nhiên, ASEAN cũng chịu tác động mạnh từ thay đổi của tình hình. Với sự lôi kéo của nước lớn, nhất là Trung Quốc, những nguyên tắc căn bản của ASEAN đứng trước thách thức lớn trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan tiếp tục tăng lên. Vai trò của ASEAN đối mặt với khả năng suy giảm. Bên cạnh đó, một số vấn đề nội tại của ASEAN cũng là những nhân tố làm giảm sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, làm suy giảm sự gắn kết trong khối, tác động tiêu cực đến vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
(Còn tiếp)
Bài 3: Có 3 kịch bản về cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2030