Chiếm gần một nửa dân số thế giới, châu Á – Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất toàn cầu, tập trung nhiều nhất các nền kinh tế hàng đầu thế giới, ngoài ra còn có 4 nền kinh tế lớn khác là Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và Indonesia, hợp thành 7 thành viên của G20 – Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nghiên cứu của Tổ chức Khảo sát thị trường quốc tế (BMI) cho thấy đến năm 2030, châu Á sẽ trở thành khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP toàn cầu, vào khoảng 40%. Trung Quốc sẽ chiếm một nửa số đó, ngang bằng với Bắc Mỹ và châu Âu.
LỜI TÒA SOẠN: Việt Nam là quốc gia có giá trị địa – chiến lược quan trọng và giàu tiềm năng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là tâm điểm chú ý của các nước lớn về nhiều phương diện, trong đó có quốc phòng, an ninh với cả khía cạnh tích cực và tiêu cực. Sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn đặt các nước trong khu vực, nhất là các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam trước sức ép lớn, buộc phải điều chỉnh chính sách phù hợp.
Những biến động về trật tự quyền lực giữa các nước lớn, với sự suy giảm tương đối của Mỹ và Nhật Bản, sự nổi lên của Ấn Độ, Nga và đặc biệt là Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục theo đuổi chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, trên cơ sở đó củng cố nền độc lập, tự chủ và mở rộng hội nhập quốc tế. Mặt khác, xu hướng đa cực hóa và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc cũng tạo ra nhiều thách thức đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Cục diện thế giới mới tạo cho Việt Nam những thời cơ để tiếp tục nâng cao vị thế trên trường quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao tiềm lực bảo vệ an ninh quốc gia ngày càng vững chắc, song cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Báo An ninh Thủ đô trích đăng nội dung cuốn sách “Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương” của Thiếu tướng, TS. Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an) để giúp bạn đọc có hiểu biết sâu sắc hơn về sự vận động và tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến Việt Nam. |
Châu Á – Thái Bình Dương chi phối an ninh và thịnh vượng toàn cầu
Viện Brookings (Mỹ) dự báo đến năm 2030 châu Á – Thái Bình Dương là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới với 3,5 tỷ người thuộc tầng lớp trung lưu, lớn hơn tất cả các khu vực khác cộng lại và sẽ quyết định xu hướng vận động của thị trường toàn cầu.
Châu Á – Thái Bình Dương cũng tiếp tục là nơi tập trung nhiều nhất các tranh chấp, bất đồng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến xung đột, trong đó có các “điểm nóng” như Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, ly khai, khủng bố mang màu sắc dân tộc, tôn giáo và ngay cả một số thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, năng lượng…
Việc tìm ra được giải pháp hòa bình, xử lý triệt để những căng thẳng ở khu vực này một cách hòa bình từ nay đến năm 2030 là rất khó xảy ra.
Thực tế, trong nhiều thập niên qua, các “điểm nóng” tại khu vực đã trở nên phức tạp hơn, và thường chỉ được tạm thời lắng xuống sau những thời điểm căng thẳng leo thang đến bờ vực xung đột, chiến tranh. Với vị thế trung tâm, thập niên tới châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là nơi tập trung những liên kết, hợp tác quốc tế lớn nhất toàn cầu, đặc biệt là về hợp tác kinh tế quốc tế, đồng thời cũng là nơi cọ xát chiến lược nước lớn gay gắt nhất, tác động, chi phối trật tự toàn cầu, trực tiếp là tới trật tự khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hợp tác vẫn là xu thế bao trùm, với mức độ tùy thuộc lẫn nhau gia tăng, tuy nhiên đấu tranh cũng gay gắt, quyết liệt hơn
Trong thập niên tới, châu Á – Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực hợp tác đối phó, trong đó có tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, biến đổi khí hậu, đại dịch và nhiều mối đe dọa khác.
Ủy ban Kinh tế – Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc nhận định trong khoảng từ năm 2015 đến 2030, 40% tổn thất kinh tế toàn cầu do thiên tai sẽ xảy ra ở châu Á – Thái Bình Dương.
Đến năm 2030, mỗi năm sẽ tốn khoảng 373 tỷ USD để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu tại khu vực này. Ngoài ra, những vụ tấn công khủng bố ở một loạt quốc gia trong thời gian vừa qua cùng với thực tế châu Á – Thái Bình Dương là nơi sinh sống của gần 65% người Hồi giáo trên thế giới cũng khiến cho mối đe dọa này ngày càng trở nên hiện hữu hơn.
Đồng thời, theo Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc, việc trở thành một khu vực năng động, là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng khiến châu Á – Thái Bình Dương là địa bàn tập trung các loại tội phạm xuyên quốc gia, trong đó đáng chú ý là tội phạm ma túy, buôn người, buôn lậu vũ khí, tội phạm môi trường và tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Để đối phó với các nguy cơ, thách thức đang có xu hướng gia tăng và đe đọa đến môi trường hòa bình, ổn định của khu vực như vậy các quốc gia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, thúc đẩy các cơ chế, diễn đàn hợp tác đa phương trên các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực an ninh nói riêng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy với sự thay đổi về chất, trở thành một xu thế đề cao chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang ngăn cản xu thế hợp tác, làm xấu đi tình hình an ninh, ổn định tại khu vực. “Dân túy” cũng làm trầm trọng hơn yêu cầu của một số cường quốc đòi xóa bỏ trật tự đã có, thiết lập trật tự mới ở khu vực và thế giới, xác lập địa vị cao hơn cho quốc gia mình. “Dân túy” cũng kích động mạnh mẽ hơn xu hướng ly khai đòi “độc lập”, làm mất ổn định nghiêm trọng tại nhiều khu vực, như châu Âu với Brexit.
Để đối phó, các quốc gia có thể lựa chọn chính sách tăng cường năng lực quân sự, quốc phòng như trường hợp Triều Tiên, Iran. Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và nhiều nước trong khu vực đã tăng nhanh ngân sách quốc phòng để chế tạo, mua sắm vũ khí hiện đại. Thực tế trên không chỉ cản trở tiến trình hợp tác, liên kết mà còn tác động nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực.
Tiến bộ của khoa học – công nghệ làm thay đổi quan hệ quốc tế
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không những tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của kinh tế thế giới mà còn làm thay đổi quan hệ quốc tế ở phạm vi toàn cầu nói chung và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.
Trước hết, tiến bộ khoa học – công nghệ làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, quản trị ở phạm vi quốc gia và quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế tri thức và phân công lao động quốc tế, vì thế đòi hỏi các quốc gia phải xây dựng những “luật chơi”, nguyên tắc vận hành mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, nó cũng làm thúc đẩy xu hướng cạnh tranh về khoa học – công nghệ giữa các nước lớn nhằm gia tăng sức mạnh và lợi thế quốc gia, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ.
Hầu hết các nước lớn trong khu vực đều đưa ra chiến lược phát triển khoa học, công nghệ của mình. Quốc gia nào dẫn dắt về công nghệ sẽ chiếm ưu thế trong trật tự quan hệ quốc tế mới. Trung Quốc hiện đi tiên phong trên lĩnh vực sáng tạo và ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, trí tuệ nhân tạo và đạt được những thành công quan trọng.
Trung Quốc cũng tìm cách thay thế Mỹ đi đầu, dẫn dắt các tiến trình liên kết quốc tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phát huy sức mạnh tổng hợp vượt trội hiện có và đang gia tăng ảnh hưởng to lớn thông qua tập hợp lực lượng theo cấu trúc “Đàn sếu bay”, nhất là nhằm vào các quốc gia có nền kinh tế nhỏ, chậm phát triển.
Trung Quốc cũng sử dụng sức mạnh đó với Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc… để cản trở hoặc vô hiệu hóa nỗ lực tập hợp lực lượng của Mỹ, hạt nhân là thiết lập liên minh “Bộ tứ”.
Cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương luôn có tác động trực tiếp, nhanh chóng tới Việt Nam. Việc chủ động nhận diện thời cơ, thách thức do tác động từ cấu trúc an ninh tại khu vực để đề xuất khuyến nghị chính sách phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia Việt Nam là yêu cầu, đòi hỏi cấp bách đặt ra từ thực tiễn.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Đỗ Lê Chi (Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an) |
(Còn tiếp)
Bài 2: Tương quan lực lượng và chiều hướng chiến lược của các nước lớn