Nhóm các nhà bảo tồn ở Đài Loan đang chạy đua để thu thập càng nhiều loại thực vật quý hiếm càng tốt, trước khi chúng biến mất do biến đổi khí hậu và sự xâm lấn của con người.
Ông Hung Hsin-chieh, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Bảo tồn Thực vật Dr. Cecilia Koo, đang tìm một loại cây leo hiếm thường sống trên các thân cây cao ở rừng Jin Shui phía bắc Đài Loan. Nhiệm vụ của họ là rong ruổi mọi nơi trên hòn đảo để tìm kiếm các loại thực vật quý hiếm rồi đưa về bảo tồn tại trung tâm.
“Tôi bắt đầu sưu tập cây cảnh khi còn đang đi học. Tôi không nghĩ rằng đó là việc quan trọng. Nhưng kể từ khi bắt đầu làm việc tại trung tâm bảo tồn, tôi nhận ra rằng nhiều loại cây từng tồn tại, nay đã không còn nữa”, anh Hung chia sẻ.
“Vì vậy đối với nhiều thứ, nếu bạn không bảo tồn một cách thích hợp, rất có thể trong tương lai bạn không nhìn thấy chúng nữa”, anh Hung nói thêm.
Mặc dù Đài Loan nổi tiếng với các sản phẩm công nghệ được sản xuất hàng loạt, khoảng 70% diện tích hòn đảo vẫn được bao phủ với rừng rậm, nơi có nhiều loại động vật hoang dã sinh sống như hươu, lợn rừng và gấu đen. Chính quyền Đài Loan đề cao việc bảo vệ môi trường và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, nhưng hòn đảo vẫn chưa được đánh giá cao trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Hàng ngày, anh Hung và đồng nghiệp của mình là cô Cheng Ken-yu, người phụ trách các loại thực vật nhóm rêu tại trung tâm, đi tìm kiếm các loại cây quý hiếm, nhằm đảm bảo rằng trong tương lai, sự đa dạng sinh học của Đài Loan được giữ vững.
Cô Cheng tìm kiếm một loại cây hiếm trên đảo Shi Qiu. Rất nhiều loại thực vật mà họ thu thập đều có một công dụng nào đó, dù là về y học hay các tác dụng khác.
“Chúng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó những loài này sẽ có cơ hội để trở về môi trường sống tự nhiên của chúng. Hoặc là khi chúng tôi muốn tạo ra môi trường mới, những loại này có thể được đưa tới đó để sống một cách thích hợp”, cô Cheng nói.
Anh Hung chui vào bụi rậm để tìm một loại cây nhỏ. Công việc của họ tương đối nguy hiểm, đôi khi phải leo lên các vách đá dựng đứng hoặc làm việc trong trời mưa tầm tã.
“Không phải ai cũng có thể đến những nơi mà tôi đến. Tôi có thể ở ngoài thiên nhiên trong thời gian dài, dù trong rừng hay trên núi. Tôi có thể đi lang thang nhiều hướng. Tôi cũng trèo cây rất giỏi và không phải ai cũng có thể làm việc đó”, anh Hung chia sẻ.
Sau khi được thu thập từ môi trường hoang dã, các loài thực vật quý hiếm được chăm sóc tại nhà kính của Trung tâm Bảo tồn Thực vật Dr. Cecilia Koo.