Dự thảo Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được các địa phương, ngành góp ý nhiều vấn đề cần xem xét, bổ sung.
Chiều 24/9, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trị Hội nghị sơ kết chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 và lấy ý kiến xây dựng chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Nhiều kết quả đạt được
Theo đại diện Tổng cục Thủy sản, Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt số 1434 ngày 22/9/2017. Mặc dù nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực thủy sản trong giai đoạn này còn nhiều hạn chế nhưng kết quả thực hiện đầu tư cơ bản đã đạt được các mục tiêu chương trình đề ra.
Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hàng năm đạt 6% (đạt theo kế hoạch). Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 3,77 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn. Và, dự kiến 2020 đạt 8,2 triệu tấn, vượt mức chỉ tiêu của chương trình đề ra. Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt 8,6 tỷ USD, kế hoạch năm 2020 là 10 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra.
Đồng thời chúng ta cũng đã chủ động sản xuất giống sạch bệnh trong nước đối với các đối tượng chủ lực như tôm giống tôm sú, tôm chân trắng, cá tra. Hình thành các vùng nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận tương đương GlobalGAP, ASC.BAP).
Công suất cảng cá tăng thêm khoảng 352 nghìn tấn hàng qua cảng/năm, công suất neo đậu tăng thêm 24.900 tàu (vượt chỉ tiêu chương trình).
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhìn nhận sau 10 năm thực hiện chương trình, ngành thủy sản đã được những kết quả đáng ghi nhận, luôn thuộc nhóm các nước đứng đầu thế giới về giá trị xuất khẩu và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.
Theo đó, năm 2019 thủy sản Việt Nam chiếm 6,2% tổng sản lượng thủy sản châu Á, 4,4% tổng sản lượng và 5,5% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn cầu. Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới,
Mục tiêu xuất khẩu đạt 18-20 tỷ USD
Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN-PTNT) – đơn vị tư vấn đã đưa ra dự thảo xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp 28-30% GDP trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổng sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản khoảng 25-30%, sản lượng nuôi trồng thủy sản 70-75%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18-20 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tại chỗ, thông qua du lịch và khách quốc tế khoảng 1,3 tỷ USD; đồng thời giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động.
Và, thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tiệm cận mức thu nhập bình quân chung của lao động cả nước. 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy chuẩn bảo vệ môi trường.
Còn tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản phải là ngành sản xuất hàng hóa lớn có trình độ quản lý, khoa học công nghệ hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt các định chế quốc tế, phát triển có trách nhiệm và bền vững. Và, là trung tâm chế biến thủy sản chất lượng cao khu vực ASEAN và châu Á, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới…
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang góp ý về chiến lược phát triển thủy sản cần xác định lại nguồn lực ở đâu, chứ chỉ tiêu không quan trọng. Bởi tiềm năng thủy sản và thị trường tiêu thụ dư địa của chúng ta còn rất lớn.
Bên cạnh đó, trong chiến lược cùng cần xây dựng mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu với nhau, chứ hiện nay nhiều nơi mạnh ai nấy làm thì không hiệu quả. Do đó, doanh nghiệp phải là đầu tàu để dẫn dắt sản xuất với hàng hóa lớn.
Ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội nghề cá Khánh Hòa cũng cho rằng, vai trò doanh nghiệp trong các chuỗi liên kết thủy sản rất quan trọng. Vì vậy, để làm được điều này, Tổng cục Thủy sản cần tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các doanh nghiệp tham gia chuỗi.
Còn ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết nguồn lực lao động trong lĩnh vực thủy sản hiện chưa đảm bảo, đào tạo chưa đến chưa đến chốn. Khẩu bảo quản sản phẩm sau khai thác cũng chưa tốt, tổn thất thu hoạch rất lớn từ 15-20%. Do đó, trong chiến lược phát triển thủy sản trong thời gian tới chúng ta phải đảm bảo các vấn đề trên, đồng thời phải đẩy mạnh nuôi biển hở, ứng dụng công nghệ cao, theo công nghệ Na Uy.
Ông Văn Kim Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia đề xuất trong chiến lược cần bổ sung nuôi tôm kháng bệnh và thích ứng biển đổi khí hậu.
“Hiện nay có doanh nghiệp đã chào với khuyến ngư rồi. Họ giới thiệu giống của họ thích ứng với cái rét của miền Bắc. Do đó, chúng ta cần bổ sung vào đề án để đề án chúng ta đạt mục tiêu đề ra”, ông Tiêu nói.
Sau khi nghe các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đề nghị Tổng cục Thủy sản, đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp các đại biểu. Đồng thời đề nghị các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn thiện Dự thảo chiến lược phát triển thủy sản để trình Chính phủ; giúp ngành thủy sản có bước chuyển biến tích cực theo đúng lộ trình chiến lược đề ra.
Tiềm năng nuôi biển của Việt Nam rất lớn Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá tiềm năng nuôi biển của Việt Nam rất lớn, với chiều dài bờ biển 3.260 km và rộng 1 triệu km2. Và, theo khảo sát sơ bộ chúng ta có đến 500 nghìn km2 nuôi biển được. Vì vậy, nuôi biển có lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, nuôi biển hiện nay chỉ ở giai đoạn phôi thai, nuôi gần bờ là chính và nuôi với lồng bè rất sơ sài, đơn giản. Con giống cũng chưa được nghiên cứu sản xuất một cách có quy trình công nghệ. Giống nuôi ở đây có thể từ nguồn đánh bắt được hoặc có thể từ nhập lậu. Về thức ăn dinh dưỡng cũng chỉ một số đối tượng sử dụng được thức ăn công nghiệp, còn lại là vẫn dùng thức ăn tươi gây ô nhiễm môi trường. Do đó, chúng ta sẽ có chiến lược về thủy sản và trong chiến lược này có đề án nuôi biển được phê duyệt trong năm nay. |