Các nhà lọc dầu trên toàn thế giới phải vật lộn với nhu cầu yếu, dư thừa hàng tồn kho.
Theo World Scientific, nhiên liệu hóa thạch đã giúp những chiếc ô tô chạy xa hơn, giúp các nền kinh tế tăng trưởng thần tốc và cũng khiến không ít những cuộc chiến tranh hay căng thẳng địa chính trị nổ ra.
Thế giới đang rơi vào một cú sốc năng lượng, đẩy nhanh sự dịch chuyển sang một trật tự mới. Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tấn công nền kinh tế toàn cầu hồi đầu năm, nhu cầu dầu giảm hơn 1/5 và giá dầu thô lao dốc không phanh, có thời điểm còn xuống mức âm.
Các nhà máy lọc dầu đã cắt giảm sản lượng tới 35% vào mùa xuân khi việc phong tỏa do COVID-19 phá hủy nhu cầu đi lại và lượng hàng tồn kho dồi dào. Mặc dù, giá “vàng đen” hồi phục lên mức khoảng 40 USD/thùng, song việc quay trở lại kỷ nguyên hoàng kim của ngành này khó có thể xảy ra.
Các nhà sản xuất nhiên liệu từ hóa thạch buộc phải đối mặt với những điểm yếu của họ. Tập đoàn dầu khí ExxonMobil bị loại khỏi Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones sau 92 năm góp mặt. Để cân bằng ngân sách, các quốc gia dầu lửa (petrostates) cần duy trì giá dầu ở mức 70-80 USD/thùng.
Giám đốc Điều hành Scott Wyatt tại nhà cung cấp nhiên liệu Úc Viva Energy Group Ltd cho biết: “Các tác động của COVID-19 đang gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh lọc dầu mà chúng tôi chưa từng trải qua và không bền vững về lâu dài”.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nhu cầu nhiên liệu của quốc gia này đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lịch sử ngành dầu mỏ cho thấy những đợt sụt giảm giá dầu đã từng xảy ra. Tuy nhiên, lần này hoàn toàn khác khi các chính phủ, các nhà đầu tư cũng như công chúng đều nhìn lại trước tình trạng biến đổi khí hậu.
Đà phát triển của ngành công nghiệp năng lượng sạch và kỷ nguyên năng lượng tái tạo
Năng lượng có thể là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hình dạng của xã hội trong thế kỷ XXI. Chi phí và sự sẵn có của năng lượng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của con người, sức khỏe của nền kinh tế quốc gia, mối quan hệ giữa các quốc gia và sự ổn định của môi trường.
Cổ phiếu năng lượng sạch tăng 45% kể từ đầu năm thể hiện sự thay đổi của thị trường vốn. Với lãi suất gần bằng 0, các chính trị gia đang ủng hộ các kế hoạch cơ sở hạ tầng “xanh”.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ, người đại diện của đảng Dân chủ Joe Biden, muốn chi 2.000 tỉ USD để giảm phát thải khí carbon trong nền kinh tế Mỹ. Liên minh châu Âu cũng dành 30% trong kế hoạch phục hồi 880 tỉ USD hậu COVID-19 cho các biện pháp khí hậu. Đồng thời, EU cam kết sử dụng “trái phiếu xanh” để tài trợ cho các mục tiêu khí hậu.
Hệ thống năng lượng của thế kỷ XXI hứa hẹn sẽ tốt hơn thời đại dầu mỏ, tốt hơn cho sức khỏe con người, ổn định hơn về mặt chính trị và ít biến động hơn về kinh tế. Dĩ nhiên, sự thay đổi này cũng tiềm ẩn rủi ro lớn.
Nếu mất đi trật tự cân bằng, nó có thể làm tăng thêm bất ổn chính trị và kinh tế tại các quốc gia dầu lửa. Quyền kiểm soát chuỗi cung ứng xanh cũng sẽ rơi vào tay Trung Quốc.
Hiện, nhiên liệu hóa thạch chiếm 85% năng lượng toàn cầu. Hệ thống ô nhiễm này gây ra 2/3 lượng phát thải khí nhà kính. Ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch cướp đi sinh mạng của hơn 4 triệu người mỗi năm, chủ yếu ở các thành phố lớn tại các nền kinh tế mới nổi.
Dầu mỏ cũng tạo ra bất ổn chính trị. Nhiên liệu hóa thạch cũng gây ra bất ổn kinh tế. Thị trường dầu mỏ đang bị ảnh hưởng bởi một liên minh là tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ – OPEC. Sự tập trung trữ lượng dầu của thế giới khiến nguồn cung dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc chính trị.
Một bức tranh về hệ thống năng lượng mới đang xuất hiện. Điện tái tạo từ năng lượng mặt trời và gió dự kiến tăng nguồn cung hiện nay từ 5% lên 25% vào năm 2035, đạt gần 50% vào năm 2050.
Những lợi ích to lớn mang lại từ việc sử dụng năng lượng phi carbon giúp nhân loại tránh được sự hỗn loạn của biến đổi khí hậu chưa được kiểm soát, bao gồm hạn hán tàn khốc, nạn đói, lũ lụt và tình trạng di dân hàng loạt.
Hệ thống của thế kỷ XXI cũng sẽ ít biến động hơn về mặt kinh tế. Giá điện sẽ không được quyết định bởi một vài tác nhân lớn mà bởi sự cạnh tranh và tăng hiệu quả.
Tuy nhiên, ngay cả khi một hệ thống năng lượng tốt hơn xuất hiện, mối đe dọa từ quá trình chuyển đổi chịu sự quản lý kém vẫn hiện hữu.
Rủi ro thứ nhất là việc Trung Quốc có thể tạm thời ảnh hưởng trong hệ thống cung cấp năng lượng toàn cầu nhờ sự thống trị trong việc chế tạo các cấu phần quan trọng và phát triển công nghệ mới.
Thay vì là một quốc gia dầu lửa, Trung Quốc có thể trở thành một “quốc gia điện”. Ngày nay, các công ty Trung Quốc sản xuất 72% số module năng lượng mặt trời trên thế giới và 45% turbine gió.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc lại phụ thuộc vào tốc độ thay đổi của các nền kinh tế khác. Châu Âu hiện sở hữu nhiều nhà phát triển hàng đầu các trang trại điện gió và điện mặt trời như Orsted, Enel và Iberdrola.
Rủi ro thứ 2 là sự chuyển đổi của các quốc gia dầu lửa, vốn chiếm 8% GDP thế giới và gần 900 triệu dân. Khi nhu cầu dầu mỏ giảm đi, họ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để giành thị phần, trong đó phần thắng sẽ thuộc về các quốc gia bán dầu thô với mức giá rẻ và sạch nhất.
Doanh thu thuế của Chính phủ Saudi Arabia giảm 49% trong quý II năm nay. Mối hiểm nguy đang chờ đợi họ trong vài thập niên tới.