Theo báo cáo “Tipping the Scales” do tổ chức C4ADS mới công bố, bất chấp các biện pháp tăng cường bảo vệ, tê tê vẫn tiếp tục bị khai thác phục vụ thị trường thuốc cổ truyền Trung Quốc.
Thường được mô tả là “loài ăn kiến có vảy”, tê tê là động vật có vú duy nhất trên thế giới có vảy thật. Mặc dù lớp vảy này có thể bảo vệ chúng ngay cả khi bị sư tử cắn nhưng lại vô hiệu với con người – mối đe dọa lớn nhất của tê tê. Theo TRAFFIC, hơn 1 triệu cá thể tê tê đã bị buôn bán trong khoảng thời gian 2000 – 2014.
Lâu nay, các chuyên gia biết rằng tình trạng buôn bán bốn loài tê tê châu Á đang giảm dần do ngày càng khó tìm thấy chúng. Thay vào đó, giới buôn lậu hướng mũi dùi sang bốn loài ở châu Phi để đáp ứng nhu cầu, trong đó Tây và Trung Phi trở thành những trung tâm chính.
Báo cáo của C4ADS dựa trên cơ sở dữ liệu riêng về các vụ bắt giữ động vật hoang dã và dữ liệu từ Tổ chức Hải quan Thế giới và một chương trình chung giữa Hiệp hội Động vật học London và Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ để định lượng mức độ một khu vực liên quan đến buôn lậu.
Báo cáo nêu bật những điểm cụ thể dọc theo chuỗi cung ứng để cơ quan thực thi pháp luật có thể tập trung toàn lực vào đó.
Faith Hornor, Giám đốc chương trình C4ADS và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Bằng cách kết hợp các chuỗi cung ứng thịt rừng hiện có ở châu Phi và che giấu hoạt động bất hợp pháp với thị trường y học cổ truyền Trung Quốc, những nhân tố đang buôn lậu vảy tê tê với tốc độ ngày càng đáng báo động giữa châu Phi và châu Á”.
Năm kỷ lục
Năm ngoái, không chỉ số lượng vảy tê tê bị bắt giữ trên toàn cầu nhiều hơn bao giờ hết mà còn chứng kiến vụ bắt giữ riêng lẻ đạt mức kỷ lục. Trong vòng một tuần tháng 4, Singapore chặn một lô hàng 14,2 tấn và một lô hàng 14 tấn, ước tính lấy từ từ hơn 70.000 cá thể tê tê.
Cả hai lô hàng đều đến từ Nigeria – nước bị C4ADS phát hiện là nguồn của hơn 1/4 các vụ bắt giữ tê tê liên quan đến châu Phi từ năm 2015 – 2019.
Báo cáo cho hay Tây và Trung Phi cũng nổi lên như những điểm nóng rõ ràng: gần 90% số vảy tê tê bị thu giữ kể từ năm 2015 có nguồn gốc hoặc quá cảnh qua khu vực này. Hơn nữa, quy mô các lô vảy lậu từ khu vực dường như đang tăng lên, trọng lượng trung bình tăng gần gấp 10 lần lên khoảng 3 tấn.
Thực trạng này cho thấy sự tham gia của các băng đảng tội phạm có nguồn lực tốt: “Việc thanh toán, thu thập và vận chuyển số lượng lớn sản phẩm từ tê tê đòi hỏi sự phối hợp và khoản trả trước rất lớn”. Điều đó cũng có nghĩa là giới buôn lậu không lo ngại về việc cơ quan thực thi pháp luật can thiệp vào quá trình vận chuyển các lô hàng trị giá hàng chục triệu đô la.
Francis Tarla, Điều phối viên chương trình tê tê của Hiệp hội Động vật học London ở Cameroon, chứng kiến sự thay đổi này trong hoạt động buôn bán thực địa, giá vảy tê tê trên thị trường chợ đen tăng vọt và “giá cao khiến những kẻ buôn lậu tài năng hơn và có tổ chức tốt hơn tham gia cuộc chơi và sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn”.
Ảnh hưởng tổng hòa từ tình trạng quản trị kém, thực thi pháp luật què cụt, mức độ tham nhũng cao, đầu tư từ NGO giảm và sụt giảm giá trị hàng xuất khẩu địa phương như xăng dầu khiến Tây và Trung Phi nổi lên như một điểm nóng buôn bán động vật hoang dã.
Sự gia tăng các vụ bắt giữ là kết quả của nhiều yếu tố. “Đúng vậy, nhu cầu tê tê và buôn lậu tăng lên rất nhiều từ năm 2015 đến năm 2019,” Zhou Jinfeng, Giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Phát triển Xanh và Bảo tồn Đa dạng Sinh học Trung Quốc (CBCGDF) thừa nhận. Nhưng “việc thực thi pháp luật cũng được cải thiện” khiến việc phát hiện các lô hàng nhập lậu thường xuyên hơn.
Chris Hamley, nhà vận động cấp cao về tê tê thuộc Cơ quan Điều tra Môi trường cho rằng buôn lậu có thể gia tăng vì những kẻ buôn lậu đã chuyển từ tê tê châu Á sang tê tê châu Phi: “Ở châu Phi có những chuỗi thịt rừng buôn bán cả tê tê, và vì vậy vảy tê tê gần như một sản phẩm phụ tự nhiên”.
Thay đổi ở Trung Quốc
Từ lâu, Trung Quốc cho phép các chế phẩm y học cổ truyền sử dụng vảy tê tê từ các loài bản địa nhưng tê tê Trung Quốc bị săn bắt đến mức gần như tuyệt chủng ở nước này từ nhiều năm trước.
Việc mất đi các loài bản địa, kết hợp với lệnh cấm buôn bán quốc tế đối với tất cả các loài tê tê châu Á vào năm 2000, có nghĩa là các công ty dược phẩm, bệnh viện và người hành nghề y học cổ truyền phải dựa vào kho dự trữ vảy tích lũy từ trước khi có lệnh cấm.
Những kho dự trữ đó thuộc sở riêng của các doanh nghiệp và chính quyền tỉnh ban hành hạn ngạch hàng năm giới hạn số lượng được phép bán ở mỗi khu vực.
Theo một báo cáo CBCGDF công bố năm 2016, trung bình, chính phủ mỗi năm cho phép bán khoảng 29 tấn – tương đương với 73.000 cá thể tê tê. Với mức này, các kho dự trữ lẽ ra đã cạn từ nhiều năm trước.
Cục Lâm nghiệp quốc gia Trung Quốc (cơ quan giám sát động vật hoang dã) không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Hamley nói: “Rất khó để tin rằng các công ty dược phẩm có đủ số lượng vảy chỉ nhờ vào các kho dự trữ”, và rằng “rất có thể” vảy lậu chảy vào kho dự trữ.
Dữ liệu và nghiên cứu của C4ADS nghiêng về giả thuyết này. Kể từ năm 2015, hơn 40% trong số khoảng 215 tấn vảy tê tê bị tịch thu ở châu Á là ở Trung Quốc hoặc Hồng Kông. Hamley cho biết, số lượng vảy bị bắt giữ từ các chuyến hàng tại hoặc đến Trung Quốc và Hồng Kông tăng hơn 171% từ năm 2015 đến năm 2019. Khối lượng đó cho thấy nhu cầu rất lớn.
Hệ thống kho dự trữ thuộc sở hữu tư nhân và hình thức tự báo cáo ở Trung Quốc khiến vảy lậu có thể dễ dàng trà trộn với vảy hợp pháp – một “thị trường chợ đen nằm trong hệ thống pháp luật”, theo báo cáo của C4ADS.
Những thay đổi chính sách gần đây cho thấy chính phủ Trung Quốc đang loại bỏ dần việc sử dụng vảy tê tê trong y học cổ truyền.
Năm 2019, Trung Quốc tuyên bố rằng bảo hiểm nhà nước không chi trả cho vảy tê tê nữa. Tháng 6, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, danh sách các loại thuốc cổ truyền được phê duyệt không bao gồm vảy tê tê (mặc dù có các loại thuốc đã được cấp bằng sáng chế có chứa tê tê).
Cũng trong tháng 6, chính phủ Trung Quốc mở rộng các biện pháp bảo vệ đối với tê tê lên mức tương tự như bảo tồn hổ và gấu trúc theo Luật Bảo vệ Động vật hoang dã quốc gia.
Nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ những biện pháp này sẽ tạo ra sự khác biệt. Hamley gọi những thay đổi này là “tung hỏa mù”.
Devin Thorne, nhà phân tích cấp cao và đồng tác giả báo cáo của C4ADS, cho biết những thay đổi đó dường như không có tác dụng ngay lập tức nhưng vẫn coi đó là một “bước đi tích cực”.
Zhou Jinfeng vẫn thấy hy vọng: “Cho đến cuối năm 2019, giao dịch tăng lên”. Nhưng vì những thay đổi này, “chúng tôi tin rằng tình hình sẽ giảm xuống, bắt đầu từ năm 2020”.
Nhật Anh (Theo National Geographic)