Trong khi vụ phá rừng với gần cả trăm m3 gỗ đang được Công an điều tra, làm rõ thì người dân lại báo, tiếp tục xảy ra tình trạng lâm tặc khai thác gỗ trái phép quy mô lớn tại rừng gỗ dổi, gỗ chò trăm năm tuổi, phòng hộ đầu nguồn xã Sró, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.
Tàn phá rừng cây trăm tuổi
Từ nguồn tin báo của người dân, chúng tôi tìm đường về khu vực rừng phòng hộ xã Sró – nơi có hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài gỗ quý. Một “thổ địa” là người dẫn đường cho biết, tình trạng phá rừng diễn ra trong thời gian dài và lâm tặc rất manh động, nếu biết có người dẫn đường chúng sẽ tìm cách trả thù. Nhóm lâm tặc này sau khi đạp chân khắp các cánh rừng ở huyện Kbang, thì tìm về rừng Kông Chro – nơi dễ “thông quan” gỗ lậu.
Từ làng Bya, lội bộ qua những trảng cỏ tranh và rừng măng le trên dốc núi dựng đứng, sau hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đặt chân đến rừng phòng hộ. Dọc đường đi, không khó để nhận ra những con đường lâm tặc tự cày, mở để chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Càng vào sâu, hàng loạt cây gỗ chò, gỗ dổi có giá trị cao bị lâm tặc đốn hạ, vết cưa còn tươi mới. Trong bán kính chưa đầy 50m, 6 cây đã bị cưa đổ, đường kính từ 1-1,5m, chiều dài trên 20m. Hầu hết cây gỗ có giá trị cao đã bị lâm tặc đốn hạ, sót lại gốc của nhiều cây gỗ lớn, ngổn ngang bìa, cành nhánh và cả những phách gỗ mà lâm tặc chưa kịp tẩu tán.
Tại hiện trường, lâm tặc dựng lều lán để sinh hoạt. Thấy người lạ vào rừng, nhóm này xách cưa lốc, xoong nồi nấu ăn và lương thực lẩn trốn vào rừng. Được biết, gỗ ra khỏi rừng đều đi qua đường độc đạo, nếu các chốt kiểm lâm, công an xã… lơi lỏng hoặc làm ngơ, đêm về gỗ lậu dễ dàng được “thông quan”.
Lại khó chứng minh được đối tượng phá rừng
Rừng phòng hộ đầu nguồn Sró do UBND xã Sró, huyện Kông Chro quản lý với diện tích hơn 2.000ha. Trong thời gian ngắn, tình trạng phá rừng ở khu vực rừng này liên tiếp xảy ra. Công an huyện Kông Chro đang thụ lý điều tra, đã khởi tố vụ án nhưng chưa bắt được đối tượng nào.
Hồi tháng 3 năm nay, lâm tặc đã phá rừng ở Tiểu khu 805 do UBND xã Sró quản lý, với khối lượng gỗ thu được gần 41,5m3, bao gồm các chủng loại gỗ như chò, dổi, kháo. Tổng giá trị thiệt hại là gần 350 triệu đồng. Vụ án thứ hai xảy ra vào tháng 6.2020 ở xã Đắk Song, tại Tiểu khu 845 rừng phòng hộ đầu nguồn với khối lượng gỗ bị khai thác trái phép hơn 12m3 gỗ. Giá trị thiệt hại là hơn 92 triệu đồng.
Trao đổi với báo Lao Động, thượng tá Đinh Văn Dũng – Trưởng Công an huyện Kông Chro, Gia Lai – cho biết, theo thống kê của Công an, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện và bắt giữ 19 vụ vận chuyển, tàng trữ gỗ trái phép, thu hơn 22m3 gỗ xẻ, quy ra gỗ tròn là hơn 35m3. Theo thượng tá Dũng, công tác điều tra, xử lý các vụ phá rừng thời gian qua trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu là ở vấn đề không chứng minh được các đối tượng phá rừng.
“Hầu hết vụ phá rừng diễn ra trong thời gian dài, khi phát hiện ra vụ việc thì các đối tượng đã bỏ trốn khỏi hiện trường, tẩu tán tang vật vi phạm. Lực lượng cử trinh sát, điều tra viên rà soát các đối tượng làm gỗ, mua bán gỗ trong trên địa bàn. Tuy nhiên, có trường hợp phát hiện ra gỗ, lâm sản cất giấu trong nhà nhưng không chứng minh được số gỗ có liên quan đến các vụ án phá rừng hay không. Các vụ vận chuyển gỗ lẻ tẻ thì chỉ dừng ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính, 2 lần vi phạm trở lên mới xem xét xử lý hình sự được các đối tượng” – thượng tá Dũng nói.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn – Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, Gia Lai – cho hay, nhận được thông tin từ báo chí, huyện sẽ cử ngay tổ công tác đến hiện trường kiểm tra. “Nếu đúng như hình ảnh mà báo chí cung cấp thì rõ ràng phía đơn vị chủ rừng đã thiếu trách nhiệm và có phần buông lỏng quản lý. Quan điểm chỉ đạo của huyện là phải xử lý nghiêm minh, sớm đưa các đối tượng ra trước pháp luật để làm bài học cho các đối tượng khác, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng hiện nay. Huyện kiên quyết xử lý và không bao che, dung túng” – ông Ẩn khẳng định.