Tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau 19.9 cho biết: Đến chiều tối ngày 18.9, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 đã gây thiệt hại về tài sản rất lớn, đặc biệt nguy cơ vỡ đê rất cao.
Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau đã trực tiếp khảo sát thực tế tình hình đê biển Tây. Tại những vị trí không còn đai rừng phòng hộ, việc kè mái đê chưa hoàn thiện, nước dâng cao, mưa gió khá lớn nên tạo những con sóng, gây xói mòn chân đê.
Tại vị trí giáp ranh với Cà Mau, đoạn đê của tỉnh Kiên Giang chưa được hoàn thiện, sóng biển đã tràn qua đê, gây hại vùng phía trong, nguy cơ vỡ đê là rất lớn.
Hiện thời tiết vẫn đang có mưa lớn trên khắp các địa phương trong tỉnh, cùng với đó là những đợt gió giật rất mạnh, khả năng thiệt hại do thiên tai vẫn còn tiếp tục diễn ra.
Theo cập nhật của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến chiều ngày 18.9, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 gây ra trên địa bàn tỉnh đã làm 1 phương tiện sà lan chở vật tư xây dựng đê biển bị mắc cạn trên biển (đã di chuyển người vào bờ an toàn); 30 ha lúa hè thu bị sập; 8 căn nhà sập và tốc mái. Ước thiệt hại gần 54 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm chìm 10 tàu cá, 1 sà lan và 1 sà lan mắc cạn trên biển làm 11 người mất tích trên biển (đã tìm thấy 9 người, trong đó 4 người còn sống, 5 người chết, hiện còn mất tích 2 người); sập 94 căn nhà, tốc mái 631 căn nhà; sập 30 ha lúa; ngập 1.800m lộ giao thông nông thôn, ngập 0,6ha nuôi trồng thủy sản, hư hỏng 3.700kg ruốc; sạt lở thường xuyên ven biển với chiều dài 105km (đã xử lý 28,7 km, hiện còn lại 76,3 km); sạt lở đất ven sông với tổng chiều dài 3.281m, làm hư hỏng 328m lộ bê tông và 30m lộ nhựa, thiệt hại 48 căn nhà; hạn hán làm thiệt hại 20.495,07 ha lúa, 51,76 ha rau màu; 16.557,06 ha nuôi trồng thủy sản; đỉnh điểm mùa khô có 20.851 hộ thiếu nước sạch sinh hoạt; 43.583,8 ha rừng bị khô hạn với mức cảnh báo nguy cơ cháy cấp V; sụt lún 1.363 vị trí trên nhiều tuyến đường giao thông (chủ yếu là giao thông nông thôn) với tổng chiều dài 42.209m và 2 vị trí trên tuyến đê biển Tây (đoạn Đá Bạc – Kênh Mới với chiều dài 240m.
Ngoài ra, trên tuyến đê biển Tây đoạn Kênh Mới – Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời và đoạn Hương Mai – Tiểu Dừa, huyện U Minh đã xuất hiện các vết nứt sụp lún từ 60-120 mm với chiều dài 5.870 m. Ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 26,433 tỉ đồng.