Theo Phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng cục Khoáng sản và than thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia cho biết sản lượng khai thác than của nước này giai đoạn từ tháng 1-8/2020 đạt 370 triệu tấn, đạt 67,3% so với mục tiêu sản xuất 550 triệu tấn than trong năm nay.
Trong tháng 8/2020, các công ty than đã khai thác 44,19 triệu tấn, tăng 0,44 tấn so với tháng Bảy trước đó. Nếu sản lượng than khai thác ổn định trong bốn tháng tới Indonesia có thể đạt được sản lượng than đề ra trong năm nay, thậm chí vượt so với kế hoạch. Tuy nhiên, giá than tham chiếu trên thị trường giảm từ 52,16 USD/tấn xuống 50,34 USD/tấn.
Giá than từ đầu năm đến nay đã giảm hơn 20%. Nhu cầu toàn cầu suy yếu, đặc biệt là từ Ấn Độ và Trung Quốc do việc phong tỏa để kiểm soát việc bùng phát dịch COVID-19. Đồng thời, nhiều quốc gia trong thời gian đại dịch chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn, thân thiện với môi trường. Thị phần năng lượng tái tạo ở các nước phát triển, đặc biệt là châu Âu để phát điện đã tăng lên.
Theo báo cáo của Refinitiv, nhập khẩu than của Trung Quốc từ tháng 1-8/2020 là 183,2 triệu tấn, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ấn Độ là 113,48 triệu tấn, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2019 và Hàn Quốc là 71,01 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019. Giá than tiếp tục giảm kìm hãm hoạt động tài chính của các công ty khai thác và xuất khẩu, bao gồm cả Indonesia.
Theo nhà phân tích tài chính Ghee Peh của IEEFA, ngành công nghiệp than Indonesia đang gặp khó khăn về cơ cấu và tài chính sau khi một số công ty phải nỗ lực vật lộn để kinh doanh hòa vốn. Triển vọng về nhu cầu than trong tương lai vẫn còn mơ hồ. Sự gia tăng liên tục các trường hợp mắc COVID-19 ở các quốc gia khác nhau có nghĩa là cuộc sống bình thường sẽ không xảy ra trong tương lai gần.
Mặc dù các hạn chế đã được nới lỏng, điều này không có nghĩa là nền kinh tế sẽ ngay lập tức tăng tốc. Hoạt động kinh tế đang dần phục hồi chắc chắn sẽ khiến nhu cầu năng lượng trải qua điều tương tự.
Với các lĩnh vực thương mại và công nghiệp chưa hoạt động hoàn toàn, nhu cầu điện tự động không nhiều. Do đó, nhu cầu nhiên liệu cho các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy điện có nguồn gốc từ than đá, dự kiến vẫn chưa thể tăng cao trở lại.