Chưa quá muộn để chấm dứt cuộc khủng hoảng các loài hoang dã

Liên hợp quốc vừa công bố báo cáo “Triển vọng đa dạng sinh học toàn cầu”, đưa ra cảnh báo rằng cần hành động để bảo vệ thế giới tự nhiên và nếu thay đổi kịp thời thì chúng ta có thể làm chậm lại, thậm chí đảo ngược những mất mát với thiên nhiên.

Elizabeth Maruma Mrema, Giám đốc Công ước LHQ về đa dạng sinh học (UN CBD) nhấn mạnh: “Mọi thứ phải thay đổi. Tốc độ mất mát đa dạng sinh học là chưa từng có trong lịch sử nhân loại, áp lực ngày càng tăng. Hệ thống tổng hòa trên trái đất đang bị tổn thương. Nếu hành động đúng đắn – như báo cáo đề xuất – chúng ta có thể chuyển tiếp trái đất hiện tại thành một hành tinh bền vững”.

Báo cáo của LHP khuyến nghị gì?

Báo cáo do UN CBD phát hành đặt ra 8 cách để chuyển đổi thế giới tự nhiên thành một hành tinh bền vững hơn như sau:

Đất rừng: Bảo vệ và phục hồi sinh cảnh và các vùng hoang dã để đối phó với biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp bền vững: Thiết kế lại cách chúng ta canh tác để giảm tác động có hại đến thiên nhiên như phát thực bì hay sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu gây nguy hiểm tới môi trường.

Thực phẩm: Thực hiện chế độ ăn bền vững hơn với ít thịt và cá đồng thời “cắt giảm đáng kể” phế thải thực phẩm; chuyển sang canh tác bền vững và chủ yếu là “chế độ ăn dựa vào thực vật”

Đại dương và nghề cá: Bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển và đánh bắt bền vững – để các nguồn cá phục hồi từ tình trạng bị đánh bắt quá mức. Bảo vệ các sinh cảnh biển quan trọng.

Phủ xanh đô thị: Tạo thêm không gian cho thiên nhiên ở các thị trấn và thành phố – nơi sinh sống của gần 3/4 loài người.

Nước ngọt: Bảo vệ sinh cảnh sông – hồ, giảm ô nhiễm và cải thiện chất lượng nước để bảo vệ động vật hoang dã.

Hành động khẩn cấp về khí hậu: Thực hiện hành động về biến đổi khí hậu bằng việc “nhanh chóng loại bỏ” nhiên liệu hóa thạch.

Phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe”: Bao gồm tất cả những điều trên. Có nghĩa là quản lý toàn bộ môi trường của chúng ta, cho dù đó là đô thị, nông nghiệp, rừng hay thủy sản với mục đích thúc đẩy “môi trường lành mạnh và con người khỏe mạnh”.

Chúng ta đã đủ nỗ lực để bảo vệ thế giới tự nhiên?

Toàn bộ 196 nước trên thế giới đều hứa hẹn sẽ đạt được các mục tiêu vào năm 2030.

Năm 2010, giới lãnh đạo thế giới đồng ý đáp ứng một số mục tiêu đưa ra ở trên nhằm chấm dứt tình trạng mất sinh cản và động vật hoang dã vào năm 2020 nhưng LHP thừa nhận các nước đều không thực hiện được khi chỉ đạt được 7/60 chỉ số.

Nghiên cứu của tổ chức bảo tồn thiên nhiên RSPB chỉ rõ Vương quốc Anh không đạt được các mục tiêu như bảo vệ những khu vực cho các loài hoang dã, phân bổ kinh phí cho bảo vệ thiên nhiên và hỗ trợ các loài đang đối mặt với tình trạng tuyệt chủng.

Tuy đạt được một số tiến bộ nhưng 13/60 chỉ số của CBD cần thay đổi, bằng không sẽ không đạt được thêm tiến bộ nào, thậm chí tình hình còn tệ đi.

Báo cáo cũng thừa nhận các vùng đất ngập nước đang suy giảm, đánh bắt cá vẫn ở mức không bền vững, gây hại cho các sinh cảnh biển, và tới 1 triệu loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Bà Mrema cho hay: “Nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra trên khắp thế giới. Chúng ta nên vui mừng và cổ vũ cho những điều đó. Khung thời gian còn lại rất ngắn, nhưng đại dịch cho thấy rằng khi bắt buộc thì những thay đổi mang tính biến đổi là có thể”.

Sang năm, Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị đa dạng sinh học của LHQ với mục tiêu các nước sẽ thống nhất những mục tiêu mới, hứa hẹn hành động để thiên nhiên phục hồi vào năm 2030.

Thế Anh (Theo BBC)

Nguồn: