Chiều ngày 17/9, Hội đồng thẩm định Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ, ngập lụt” đã họp và thống nhất phê duyệt nhiệm vụ này. Dự án được đánh giá mang tính cấp thiết cao và sản phẩm có thể ứng dụng ngay khi hoàn thành.
Dự án “Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai (RRTT) và lập bản đồ cảnh báo thiên tai do lũ và ngập lụt” là nhiệm vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện tại Quyết định số 1258/QĐ-BTNMT ngày 5/6/2020, thuộc Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 7/6/2018.
Thuyết minh về nhiệm vụ, bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Lũ lụt là một trong những thách thức lớn của Việt Nam và tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong nhiều năm quá, thiên tai lũ lụt đã xảy ra ở hầu hết các địa phương và có ảnh hưởng lớn đến dân sinh, phát triển kinh tế xã hội.
Mục tiêu của dự án là xây dựng bản đồ phân vùng RRTT do lũ và ngập lụt; đồng thời, xây dựng phần mềm cảnh báo RRTT do lũ và ngập lụt nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội ở các lưu vực sông của việt Nam. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu gồm các vùng, hạ lưu của 20 sông chính, lớn thuộc 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Dự án sẽ thực hiện thu thập số liệu cơ bản về lũ, ngập lụt, số liệu địa hình và các yếu tố liên quan; phân tích, lựa chọn phương pháp tính toán rủi ro do lũ, ngập lụt tại các địa phương và lưu vực sông; điều tra, đánh giá phục vụ xác định tính dễ bị tổn thương đối với dân cư, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phân tích rủi ro do lũ, ngập lụt tại các lưu vực sông, nhất là tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung; lập bản đồ cảnh báo thiên tai và bản đồ phân vùng rủi ro do lũ, ngập lụt cho các tỉnh, thành phố. Từ đó, đề xuất giải pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với lũ, ngập lụt; tổ chức các hội thảo tập huấn chuyển giao kết quả dự án.
Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2022 và đưa ra các sản phẩm gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu; bộ bản đồ phâm vùng RRTT lũ, ngập lụt tỷ lệ 1:10.000; phần mềm cảnh báo RRTT do lũ và ngập lụt phục vụ công tác chỉ đạo PCTT của địa phương; các bộ bản đồ; báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt.
Tại cuộc họp, các thành viên hội đồng thẩm định đã phản biện thuyết minh nhiệm vụ, cũng như đưa ra nhận định, góp ý nhằm hoàn thiện các nội dung. Hội đồng nhất trí đây là dự án mang tính cấp thiết cao, đáp ứng nhu cầu thực tế trong công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam hiện nay và về lâu dài.
Theo GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn – thành viên Hội đồng thẩm định, các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai hiện chưa thể hiện được xác suất cũng như mức độ tác động của thiên tai tại những địa bàn cụ thể; cao hơn nữa là giúp xác định mức độ hành động của các bên khi có thiên tai xảy ra.
Dự án có thể bổ sung căn cứ để nâng cao chất lượng các bản tin sau này, cũng như hỗ trợ đắc lực, giúp nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống thiên tai nói chung.
Sau khi thảo luận, Hội đồng thống nhất thông qua thực hiện Dự án và có chỉnh sửa. Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn – Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu tiếp thu hoặc giải trình ý kiến của các thành viên hội đồng. Theo đó, cần hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án theo hướng tuân thủ chạt chẽ quyết định của Bộ TN&MT và Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu tổng quát phải phù hợp với mục tiêu cụ thể để có sản phẩm phù hợp. Viện cũng cần làm rõ các tiêu chí định lượng, đánh giá để nghiệm thu sản phẩm và phục vụ dự toán ngân sách.
Hội đồng cũng đề nghị Viện xây dựng khung logic thực hiện dự án nhằm đảm bảo tính khả thi, trong đó có tổng quan các đề tài, dự án liên quan, có thể kế thừa nguồn số liệu nào và số liệu cần thu thập điều tra khảo sát bổ sung.
Quá trình triển khai cần trao đổi với Tổng cục Khí tượng thủy văn để làm rõ trách nhiệm của cơ quan dự báo quốc gia. Bên cạnh đó, dự án cũng cần xây dựng kế hoạch ứng dụng nhân rộng sản phẩm, và chỉ nghiệm thu khi đã ứng dụng thành công tại các đài khí tượng thủy văn khu vực.