Đức vừa hỗ trợ Ủy hội sông Mê Kông (MRC) các thiết bị khoa học trị giá 600.000 đô la để giám sát tác động môi trường xuyên biên giới từ 2 con đập dòng chính ở hạ nguồn Mê Kông.
Những thiết bị do Đức hỗ trợ (các công cụ giám sát trầm tích và xả nước, kính hiển vi, máy ghi chất lượng nước, thiết bị đo tảo, thuyền, bẫy cá và thiết bị GPS) là một phần trong chương trình thí điểm kéo dài 2 năm (2020-2021) về Giám sát môi trường chung từ các dự án thủy điện dòng chính Mê Kông (JEM).
Các thiết bị sẽ được lắp đặt tại ít nhất 3 vị trí ở mỗi con đập, thu thập dữ liệu thủy văn, trầm tích, chất lượng nước, sinh thái thủy sinh, luồng cá và thủy sản.
Đại sứ Đức tại Lào Jens Lütkenherm cho hay: “Dù biết rằng phát triển thủy điện có tiềm năng cao về kinh tế nhưng Đức cũng nhận thức hoạt động này gây tác động tiêu cực ở cấp độ xuyên biên giới về cả môi trường và kinh tế – xã hội. Chúng tôi hỗ trợ MRC giám sát tác động từ 2 con đập Xayaburi và Don Sahong, đồng thời khuyến nghị các nước áp dụng những biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường xuyên biên giới”.
Xayaburi và Don Sahong là 2 dự án đập đầu tiên xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào. Trong 6 tháng diễn ra quá trình tham vấn trước, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và các bên liên quan đều kêu gọi thiết lập một chương trình đánh giá kỹ lưỡng tác động vận hành đập.
Chương trình JEM có nhiệm vụ thu thập, tạo ra và chia sẻ dữ liệu khoa học cũng như thông tin đáng tin cậy về các vấn đề cụ thể ở thực địa có ý nghĩa xuyên quốc gia thông qua một chương trình giám sát môi trường được chuẩn hóa trên toàn lưu vực.
Dữ liệu thu thập được trong giai đoạn thí điểm giúp MRC tinh chỉnh những cách tiếp cận được đề xuất ban đầu và các phương pháp để áp dụng ra toàn lưu vực, nâng cao khả năng giám sát hiệu quả các biện pháp giảm thiểu tác động ở mỗi con đập dòng chính.
Nhật Anh (Theo MRC)