Mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ nâng hạng hoặc thành lập mới các khu bảo tồn của thành phố theo hướng thành Vườn quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển…. theo các tiêu chí quốc gia.
UBND thành phố vừa phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù của thành phố gồm các loài, nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường thành phố; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học; từng bước tạo sự chia sẻ trách nhiệm và lợi ích cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, thành phố sẽ thiết lập và đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn được nâng hạng, thành lập mới; Cải thiện chất lượng, số lượng quần thể các loài nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; Bảo vệ và phát triển sinh thái đô thị, nông thôn, đảm bảo cây xanh theo phân loại đô thị, thiết lập hành lang, cây xanh; Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân.
Đến năm 2045, nâng hạng hoặc thành lập các khu bảo tồn của thành phố theo hướng thành Vườn quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển…. theo tiêu chí quốc gia; Nâng độ che phủ rừng đáp ứng quy hoạch chung; Xây dựng, thực hiện và nhân rộng mô hình, chương trình, dự án bảo tồn và phát triển có hiệu quả các nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị.
Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ chủ trì triển khai thực hiện đề án theo tiến độ, tiến hành tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giáo dục về bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành kiện toàn tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý về đa dạng sinh học, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan hiện trạng của thành phố; tổ chức rà soát, đánh giá, nghiên cứu đề cử nâng hạng hoặc thành lập mới các khu bảo tồn trên địa bàn thành phố; bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, đặc thù gồm: hệ sinh thái rừng, biển, hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng, khu vực đất ngập nước; bảo tồn nguồn gen, giống các loài bản địa có giá trị cao; kiểm soát các tác động xấu đối với đa dạng sinh học và các loài cần ưu tiên bảo vệ;…
Đồng thời, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện có nhiệm vụ bảo vệ hệ sinh thái đô thị, nông thôn, bảo đảm tỷ lệ đất cây xanh toàn đô thị đạt tiêu chuẩn theo quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…