Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền”.
Ngày 16/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả phiên giải trình về “thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội”.
Nhiều nơi thừa, nơi khác lại nguy cơ thiếu điện cục bộ
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, việc xây dựng, ban hành chính sách chưa đồng bộ với quy hoạch.
Điển hình là các dự án điện mặt trời, trong nhiều năm không phát triển nhưng khi có chính sách giá khuyến khích năng lượng tái tạo thì chỉ trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, vượt xa quy hoạch.
Đáng nói, việc tổ chức thực hiện quy hoạch chưa bảo đảm sự cân đối giữa cơ cấu nguồn điện và lưới điện.
Theo Uỷ ban Kinh tế, giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ hoàn thành đầu tư nguồn điện công suất đạt 81,4%, trong đó miền Trung có tỷ lệ hoàn thành cao nhất gần 96%, thấp nhất là miền Nam với 62,7%.
Tỷ lệ đầu tư nguồn điện 5 năm gần đây (2016-2020) cải thiện hơn, đạt 93,7%, nhưng cơ cấy công suất đưa vào vận hành lại “rất khác biệt”.
Các nguồn điện truyền thống là điện than thực hiện khá thấp, chỉ đạt gần 58% so với quy hoạch. Còn sự phát triển nguồn điện từng miền Bắc – Trung – Nam có những điểm không hợp lý.
Giai đoạn 2015-2019, sản lượng phát điện của các nguồn điện miền Nam luôn thấp hơn nhu cầu phụ tải. Điều này đã gây ra áp lực lớn cho hệ thống lưới điện truyền tải 500kV liên miền.
Trong khi đó, nhiều dự án nguồn điện lớn, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 bị chậm tiến độ. Hầu hết các dự án BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm so với tiến độ trong quy hoạch.
Nhiều dự án đang trong quá trình triển khai thi công cũng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2…
Theo kết quả rà soát mới đây, tổng công suất các dự án nguồn điện có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 15.500 MW, đạt gần 72% quy hoạch.
Nhu cầu điện tăng cao nhưng tăng trưởng nguồn điện 5 năm gần đây giảm đáng kể, bình quân chỉ đạt 8% một năm. Trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/ năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/ năm).
Điện sinh khối còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong cơ cấu nguồn điện (đến năm 2019 chiếm 0,58%).
“Sự phát triển chưa đồng bộ giữa nguồn điện, lưới điện và việc chậm tiến độ các dự án lớn dẫn đến thực tế công suất nguồn điện tại nhiều nơi còn dư thừa, chưa giải tỏa hết trong khi đó lại có nguy cơ thiếu điện cục bộ trên diện rộng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói thêm, việc không tuân thủ nghiêm túc quy hoạch phát triển điện lực cũng làm cho hệ thống điện phát triển mất cân đối, ảnh hưởng tới độ tin cậy, ổn định và hiệu quả của ngành điện.
Giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi
Không chỉ vậy, theo Uỷ ban Kinh tế, giá điện Việt Nam hiện nay đang thiếu đột phá, chậm thay đổi và chưa theo thị trường. Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại.
Chẳng hạn, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn…). Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang được Nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo với mức giá do Nhà nước quy định.
“Chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành Điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành Điện”, ông Thanh nói.
Trước nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước ngày càng tăng và Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức thiếu điện giai đoạn 2021-2025, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, việc xây dựng được một quy hoạch điện lực có tầm nhìn dài hạn, tính dự báo chính xác cao, giải quyết được các vấn đề của thực tiễn là vấn đề cấp thiết.
“Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo cơ cấu hợp lý, tính kết nối đồng bộ với các quy hoạch khác về năng lượng trong tổng thể chung”, Uỷ ban Kinh tế lưu ý.
Trong đó, quy hoạch không nên xác định rõ nhà đầu tư mà thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, đấu thầu, đấu giá… để bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Với các nguồn điện thì huy động tối đa các nguồn thuỷ điện hiện có; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý. Còn điện gió, điện mặt trời cần được tính toán đồng bộ với việc xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất, tránh lãng phí.
Theo Uỷ ban Kinh tế, cơ quan quản lý cần có quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng điện mặt trời áp mái và các loại hình khác như trên mặt đất, đồng ruộng… để tránh lợi dụng các ưu đãi với từng hình thức.
Với điện sinh khối, rác thải và chất thải rắn, khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát; tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối.
Về giá điện, Uỷ ban Kinh tế đề nghị, đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường mua, bán điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, minh bạch giá mua bán điện.
Đồng thời, có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước.
“Cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị, xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch do thị trường quyết định, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; xây dựng biểu giá điện công khai, minh bạch, lấy ý kiến người dân để lựa chọn phương án phù hợp; nhanh chóng xây dựng giá điện hai thành phần…
Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc nhập khẩu nhiên liệu phục vụ sản xuất điện.
Theo Uỷ ban Kinh tế, Việt Nam có 13 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài (chiếm tới 71%), nên dư địa để phát triển thủy điện không còn nhiều. Nhu cầu than nhập khẩu cho sản xuất điện dự kiến tăng từ 20 triệu tấn năm 2020 lên tới khoảng 72 triệu tấn năm 2030, còn lượng khí nhập khẩu ước tính lên tới trên 10 triệu tấn vào năm 2030. |