Ngày 16/9, một nhóm 8 quốc gia châu Âu đã lên tiếng hối thúc chính phủ Brazil “hành động thực sự” để đối phó với nạn phá rừng đang ngày càng gia tăng tại khu rừng nhiệt đới Amazon thuộc Brazil.
Nhóm Liên minh các Tuyên bố Amsterdam do Đức đứng đầu trước đó 1 ngày đã gửi một bức thư tới Phó Tổng thống Brazil Hamilton Mourão trong đó bày tỏ lo ngại của các nước châu Âu trước việc Brazil đang ngày càng “thụt lùi” trong vấn đề bảo vệ môi trường so với trước đây. Nội dung bức thư nhấn mạnh xu hướng phá rừng ngày càng tăng của Brazil đang khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư khó đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, xã hội và kiểm soát trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực với mục tiêu đạt được các chuỗi cung ứng bền vững mà không gây tác động đến rừng.
Nhóm 8 nước châu Âu gồm Đức, Pháp, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Na Uy, Anh và Bỉ – các quốc gia đặt mục tiêu cung cấp nguồn nguyên liệu bền vừng không mất rừng – cũng bày tỏ kỳ vọng về một cam kết chính trị mới và chắc chắn từ phía chính phủ Brazil để giảm nạn phá rừng, được thể hiện qua các biện pháp cụ thể và kịp thời.
Phó Tổng thống Brazil Hamilton Mourão, người phụ trách điều hành các công tác bảo vệ rừng Amazon của chính phủ, hiện chưa đưa ra câu trả lời khi được yêu cầu bình luận. Trước đó, ông Mourão từng nhiều lần khẳng định trong các cuộc họp với các nhà đầu tư châu Âu rằng Brazil đang áp dụng đầy đủ các biện pháp để bảo vệ rừng Amazon, trong đó bao gồm cả lệnh cấm đốt lửa kéo dài 120 ngày trong vùng rừng này.
Theo số liệu sơ bộ của chính phủ Brazil, nạn phá rừng Amazon đã tăng 34,5% trong vòng 12 tháng tính tới tháng 7, khoảng thời gian chính thức được Brazil áp dụng để thống kê tình trạng phá rừng hàng năm.
Các nhà bảo vệ môi trường đã quy trách nhiệm cho Tổng thống Jair Bolsonaro, người đưa ra các chính sách khuyến khích sự phát triển trong vùng Amazon để đưa khu vực này thoát khỏi đói nghèo, song một mặt các chính sách này cũng thúc đẩy gia tăng hoạt động của lâm tặc, chủ trang trại và những kẻ đầu cơ đất bất hợp pháp.