BP dự báo nhu cầu năng lượng tái tạo tăng đột biến tới năm 2050

Tập đoàn dầu khí BP của Anh dự báo, tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ tăng tới 60% từ mức 8%.

Tập đoàn dầu khí BP của Anh dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm lần đầu tiên trong lịch sử, trong bối cảnh các nước tăng cường chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo và dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tác động tới nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Biểu tượng của Tập đoàn năng lượng BP. Ảnh: Reuters

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng năm 2020, BP cho biết đóng góp của nhiên liệu hóa thạch trên tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp vào năm 2050 có thể sẽ giảm xuống còn 20-65%, so với mức 85% trong năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ năng lượng tái tạo dự báo sẽ tăng tới 60% từ mức 8%.

Các dự báo trên được BP đưa ra dựa trên 3 kịch bản giả định các mức độ thực thi chính sách hướng tới các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Cụ thể, kịch bản thứ nhất giả định tình huống dịch COVID-19 khiến sản lượng dầu giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày vào năm 2025 và 2 triệu thùng/ngày vào năm 2050.

Trong kịch bản thứ hai, dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm đà giảm của nhu cầu tiêu thụ dầu, dẫn đến mức giảm kỷ lục ghi nhận hồi năm ngoái.

Với kịch bản thứ ba, nhu cầu dầu mỏ được cho sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2030, trong khi trong trung hạn, nhu cầu tiêu thụ than đá, dầu mỏ và khí đốt dự báo giảm mạnh.

Báo cáo mới nhất của BP càng củng cố thêm chiến lược mới được Giám đốc điều hành Bernard Looney đưa ra nhằm “biến đổi” tập đoàn này sau 111 năm hình thành và phát triển, thông qua chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. BP cũng đặt mục tiêu đến năm 2050 giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0%.

Cũng theo báo cáo của BP, trong vài năm tới, hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục một phần sau tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số ảnh hưởng của dịch bệnh như xu hướng làm việc ở nhà sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Các chuyên gia BP dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm đáng kể trong 30 năm tới, một phần do dịch COVID-19 cũng như tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với hoạt động kinh tế, đặc biệt ở châu Phi và khu vực Mỹ Latinh.

Nguồn: