VCCI đánh giá: Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực toàn diện đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất từ biến đổi khí hậu
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – TS Vũ Tiến Lộc, Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất từ các hiện tượng biến đổi khí hậu.
TS Vũ Tiến Lộc cho biết từ tham khảo ý kiến của gần 10.400 doanh nghiệp đang hoạt động ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước do VCCI thực hiện, trong đó, trên 8.700 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã cho thấy rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam tác động lên các doanh nghiệp như thế nào.
Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực mang tính đa diện đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là tình trạng gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động, giảm doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực, và gây thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.
Các doanh nghiệp ở vùng duyên hải miền Trung và ĐBSCL đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn hơn cả so với các vùng còn lại. “Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động cũng chịu tác động nhiều hơn các nhóm doanh nghiệp còn lại” – TS Vũ Tiến Lộc nói.
“Sản xuất xanh” bảo vệ môi trường
Theo TS Vũ Tiến Lộc, từ khảo sát, báo cáo cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tính cần thiết của việc ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua nhiều giải pháp đa dạng từ đơn giản đến phức tạp.
Điều đáng mừng là một số lượng đáng kể doanh nghiệp đã điều chỉnh phương thức kinh doanh, nâng cấp công nghệ sản xuất và mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro thiên tai.
“Nhiều doanh nghiệp đã tham gia đóng góp, ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai. Hầu hết các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia các hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả nếu thiên tai xảy ra” – TS Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đánh giá tương đối tích cực về mức độ sẵn sàng của chính quyền trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Việc tiếp cận thông tin, số liệu về thời tiết tại địa phương tương đối thuận lợi.
Chính quyền các địa phương nhìn chung được đánh giá tích cực trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai cũng như hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đa số doanh nghiệp cũng nhận thức biến đổi khí hậu ngoài tạo ra những thách thức còn đem lại cơ hội cho việc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, tạo ra sản phẩm và công nghệ mới, đồng thời xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.
Báo cáo cũng tìm hiểu mức độ sẵn sàng đầu tư của doanh nghiệp để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường. Theo đó, một doanh nghiệp điển hình sẵn sàng chi trả lên tới 7,32% chi phí hoạt động cho việc thân thiện hơn với môi trường…