Trước mối đe dọa kép từ cúm mùa và Covid-19, người Trung Quốc đang lưỡng lự tiêm phòng cúm vì chi phí cao và mất niềm tin vào chất lượng vaccine được sản xuất trong nước.
Trước khi mùa cúm bắt đầu vào tháng 10, Yi Jie, lập trình viên 32 tuổi ở Bắc Kinh, quyết tâm tiêm phòng cúm.
Trước đây, Yi chưa bao giờ tiêm phòng cúm dù công ty của cô chi trả cho việc này. Năm nay, Yi gọi đến một phòng khám để đặt lịch hẹn tiêm. “Tôi luôn quá bận rộn. Nhưng năm nay thì khác. Tôi phải tiêm phòng”, Yi nói với South China Morning Post.
Trung Quốc đang gấp rút tiêm phòng cúm mùa vì lo sợ đại dịch Covid-19 có thể bùng phát vào mùa đông, khiến hệ thống y tế quá tải.
Nước này đang tăng cường sản xuất các loại vaccine cúm mùa để đáp ứng nhu cầu được dự đoán có thể tăng cao hơn nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, nếu lượng vaccine được sử dụng hết, vẫn chỉ có một số ít người dân được tiêm chủng. Các yếu tố cản trở bao gồm chi phí cao, thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và lo ngại về chất lượng vaccine – xuất phát từ các vụ bê bối dược phẩm trước đó.
Mối đe dọa kép từ cúm mùa và Covid-19
Chính quyền khuyến cáo càng nhiều người được tiêm phòng cúm càng tốt, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương như người già và những người mắc bệnh mạn tính. Virus cúm mùa có thể khiến việc chẩn đoán Covid-19 gặp khó khăn, làm trầm trọng thêm các bệnh khác trong khi hệ thống y tế phải vật lộn để đối phó với đại dịch.
“Cách hiệu quả nhất để tránh (làm tê liệt hệ thống y tế) là yêu cầu mọi người đi tiêm phòng cúm kịp thời. Chúng ta phải huy động nhiều người hơn đi tiêm phòng cúm”, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Công đoàn Bắc Kinh Wang Chen cho biết.
Cúm mùa là nguyên nhân gây ra tới 5 triệu ca bệnh nặng và 290.000-650.000 ca tử vong về đường hô hấp trên toàn thế giới mỗi năm. Tại Mỹ, ước tính bệnh cúm gây ra khoảng 226.000 ca nhập viện và 25.000-69.000 ca tử vong hàng năm.
Tại Trung Quốc, cúm có liên quan đến trung bình 88.100 ca tử vong mỗi năm trong giai đoạn 2010-2011 và 2014-2015, tương ứng với 8,2% tổng số ca tử vong do bệnh đường hô hấp, theo thông tin đăng trên tuần san y khoa Lancet vào tháng 9/2019.
Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia khác, tỷ lệ tiêm phòng cúm của Trung Quốc thấp một cách đáng kinh ngạc, với chỉ khoảng 2% dân số nước này được tiêm phòng trong những năm gần đây. Đối với những người từ 65 tuổi trở lên – đối tượng chiếm phần lớn số ca tử vong do cúm – chỉ có khoảng 7% được tiêm phòng trong mùa cúm 2018-2019.
Con số này ở Hàn Quốc là 84%, ở Mexico là 82%, ở Australia là 73% và ở Brazil là 72%. Theo số liệu của WHO, tỷ lệ tiêm phòng cúm ở Mỹ và Anh là 70% dân số.
Vào cuối tháng 8, Zhang Hui – Phó giám đốc Viện Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc – cho biết khoảng 30 triệu liều vaccine cúm được phân phối ở Trung Quốc mỗi năm. Tuy nhiên năm nay, các nhà chức trách sẽ cung cấp tới 50 triệu liều. Ngay cả như vậy, tỷ lệ tiêm phòng vẫn chỉ ở mức 3,57% dân số.
“Đây là bước tiến, nhưng rõ ràng điều này vẫn không đủ để bảo vệ mọi người khỏi mối đe dọa kép từ cúm mùa và Covid-19″, Huang Yanzhong, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu, nhận định.
Người dân lưỡng lự tiêm phòng
Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc có khả năng tăng nguồn cung vaccine cúm, nhu cầu của người dân vẫn ở mức thấp vì thiếu tin tưởng, thiếu nhận thức về dịch bệnh, thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và không có khả năng chi trả, theo chuyên gia Huang.
Ở Trung Quốc, hầu hết người dân phải đến bệnh viện và trả khoảng 100 NDT (14,6 USD) cho một mũi tiêm phòng cúm.
Trung Quốc khuyến cáo các nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao nên tiêm vaccine, tuy nhiên chỉ có một số thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến cung cấp vaccine miễn phí cho trẻ em và người già.
Trong khi đó, các thành phố như Hàng Châu và Ninh Ba ở phía đông tỉnh Chiết Giang chi trả chi phí thông qua bảo hiểm y tế bắt buộc cơ bản. Còn người dân ở đa số khu vực khác của Trung Quốc phải tự chi trả.
Tại Mỹ, chương trình tiêm phòng cúm được thực hiện tại các hiệu thuốc, trung tâm bảo trợ xã hội và nhà thờ. Bảo hiểm y tế cơ bản chi trả chi phí cho chương trình tiêm phòng này.
Xu Liang – 68 tuổi, lao động đã về hưu ở Wuxi, tỉnh Giang Tô – cho biết ông chưa quyết định có nên tiêm vaccine cúm năm nay hay không.
“Tôi đã nghe bạn bè bàn tán về tiêm phòng cúm, rằng năm nay đặc biệt hơn vì Covid-19 và chúng tôi nằm trong nhóm có nguy cơ cao. Tuy nhiên, 100 NDT (14,6 USD) là quá đắt đối với những người về hưu như tôi. Đó là tiền ăn của gia đình tôi trong 5 ngày”, ông Xu nói.
Người đàn ông này cho biết chưa bao giờ tiêm phòng cúm dù bệnh cao huyết áp và một số bệnh khác khiến ông trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. “Tôi không biết vaccine hiệu quả như thế nào. Và tôi nghi ngờ chất lượng của nó. Tôi nhớ cách đây nhiều năm từng có thông tin về vaccine kém chất lượng rất đáng sợ”, ông nói thêm.
Bê bối vaccine kém chất lượng
Vụ việc vaccine kém chất lượng ông Xu đề cập có liên quan đến nhà sản xuất vaccine Changchun Changsheng Bio-technology. Trước khi bị phát hiện lô vaccine không đạt chuẩn vào tháng 11/2017, công ty này đã bán hơn 250.000 liều vaccine DPT ở tỉnh Sơn Đông. Vaccine này được tiêm cho trẻ sơ sinh dưới ba tháng tuổi ở Trung Quốc để ngừa bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván.
Công ty Changchun Changsheng đã bị cơ quan quản lý cấp tỉnh phạt 3,4 triệu NDT (502.200 USD) – khoản tiền nhỏ đối với một công ty có lợi nhuận ròng 566 triệu NDT (83 triệu USD) trong năm 2017. Công ty này cũng nhận được 48,3 triệu NDT (7 triệu USD) trợ cấp của chính phủ vào cùng năm.
Đến tháng 7/2018, Changchun Changsheng thú nhận đã làm sai lệch thông số sản xuất vaccine phòng bệnh dại. Tuy sau đó không có bằng chứng về tác hại của vaccine này, công chúng vẫn rất phẫn nộ về vụ việc.
Changchun Changsheng sau đó đã bị phạt 9,1 tỷ NDT (1,3 tỷ USD), với hơn 40 quan chức chính phủ, trong đó có 7 quan chức cấp tỉnh, phải chịu trách nhiệm. Vào tháng 8/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, kêu gọi cải thiện cơ chế giám sát dài hạn đối với sản xuất vaccine.
Tuy nhiên, lập trình viên Yi cho biết cô muốn được tiêm vaccine cúm nhập khẩu từ nước ngoài hơn.
“Những vụ bê bối đã làm xói mòn niềm tin của tôi đối với vaccine sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các phòng khám tư thông báo rằng vaccine cúm nhập khẩu đã được đặt hết nên tôi phải chấp nhận tiêm vaccine nội địa nếu không còn lựa chọn nào khác”, cô Yi nói.
“Tôi đành đặt cược vào việc các nhà sản xuất đã rút ra bài học từ những vụ bê bối và vaccine nội địa giờ đã an toàn hơn”, lập trình viên này nói thêm.