Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), từ năm 2000 đến 2020, tỷ lệ diện tích rừng trên tổng diện tích đất đã giảm từ 31,9% xuống còn 31,2%. Diện tích rừng hiện tại tương đương 4,1 tỷ hecta.
Tổng diện tích rừng trên thế giới đã giảm 100 triệu hecta trong 20 năm vừa qua. Tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra dù với tốc độ chậm hơn.
Hãng tin tức AFP cho biết, tình trạng phá rừng tại Mỹ Latinh và châu Mỹ đã chậm lại nhưng vấn nạn này đang gia tăng tại Đông Nam Á và châu Phi Hạ Sahara trong thập kỷ vừa qua. Các khu rừng đang bị tàn phá, chủ yếu phục vụ mục đích trồng trọt hoặc chăn nuôi gia súc, đặc biệt tại những quốc gia kém phát triển.
Tại Đông Nam Á, diện tích rừng chiếm 47,8% diện tích đất, giảm 1,2% so với năm 2015. Tại châu Phi Hạ Sahara, tỷ lệ này là 27,8% so với 28,7% cách đây 5 năm.
Cũng trong khoảng thời gian 5 năm, Indonesia và Malaysia ghi nhận diện tích rừng giảm mạnh, lần lượt từ 52,5% xuống còn 50,9% và từ 59,2% xuống còn 58,2%. Tại Mỹ Latinh và Trung Phi, diện tích rừng hiện chiếm 46,7% so với diện tích đất. Con số này vào năm 2015 là 47,4%.
Trái với những khu vực kể trên, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ là những nơi có diện tích rừng gia tăng hoặc giữ nguyên trong 5 năm gần nhất. Nguyên nhân xuất phát từ các chính sách phục hồi rừng và mở rộng rừng theo cách tự nhiên.
Điển hình như tại Trung Quốc, diện tích rừng đã tăng từ 22,3% vào năm 2015 lên thành 23,3%. Tại Nhật Bản, diện tích rừng giữ nguyên ở mức 68,4%, bằng tỷ lệ vào năm 2015.
Tại Pháp, diện tích rừng trên diện tích đất vào năm 2020 là 31,5%, tăng 0,8% so với năm 2015. Tại Italia, tỷ lệ này cũng tăng từ 31,6% lên 32,5% so với 5 năm trước đó. Anh ghi nhận mức tăng nhẹ, từ 13% vào năm 2015 lên mức 13,2%, trong khi Canada và Mỹ giữ nguyên tỷ lệ 33,9%.